Sàn giao dịch phế liệu online
Mô hình kinh tế tuần hoàn

Yeumoitruong - Since 2007

ĂN TRÊN RÁC

TuyetLoan

Cây ăn trái
Tham gia
4/4/18
Bài viết
83
Cảm xúc
11
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
Đã làm hàng ăn phải có giấy ăn cho khách. Ấy là thời có giấy ăn. Còn xa nữa thì sao? Để nhớ xem. Những tiệm ăn hồi ấy hình như có giấy lau đâu.

al(1).jpg


Đúng rồi, restaurant dùng khăn bông vuông nhỏ xíu, nửa đêm dọn tiệm các nàng xẹc-via giặt giũ gần chết. Đúng rồi, hủ tiếu hay cơm cháo khách tự lo, bồi bàn chỉ có khăn lau bàn ướt sũng huơ đi huơ lại. Đúng rồi, các gánh hay xe hàng vỉa hè thì miễn luôn, không cần biết.

Vậy nhất định giấy ăn rầm rộ hiện nay là do có công nghệ sản xuất giấy. Nhưng lùi lại một chút xem sao. Nhớ thời miền Bắc bao cấp, các hàng ăn mậu dịch quốc doanh có giấy ăn chứ. Giấy đây là giấy văn phòng, giấy pơ-luya tái chế vàng vàng, các cô mậu dịch cắt khổ giấy A4 làm sáu hay làm tám gì đó và để tràn trên dĩa hay nhét chung với lon đựng đũa. Khách xài xong vứt xuống đất, giấy đó cùng với xương xóc khách ném ra nằm dưới chân người. Chao ơi!

Hầu như giấy ăn đã thành một tiểu tiết bắt buộc giữa chủ quán và thực khách. Hàng vỉa hè hay quán cóc, giấy vuông nhỏ, rẻ tiền. Hàng danh tiếng giấy hộp dài miễn phí cùng với giấy ướt trong bao bì có nhãn hiện không miễn phí. Restaurant thì điệu đà, muốn mấy giấy mấy khăn nhà hàng chiều tuốt. Việc ấy không thành vấn đề, không thành chủ đề của bài báo này, việc thiên hình vạn trạng giấy ăn sản xuất thủ công hay máy móc hiện đại và chúng bảo đảm vệ sinh hay không sẽ được các nhà báo phóng sự quan tâm.

Khu dân cư nào hiện nay cũng đa dạng hàng ăn. Và cũng đa dạng cung cách. Đơn cử chỗ của tôi, một cụm block khoảng vài ngàn dân. Cơm tấm có tới mấy hàng, nướng thịt bếp than truyền thống và cả bếp gas. Phở nhiều không đếm xuể. Hàng hủ tiếu và vằn thắn đậm yếu tố người Hoa. Và những xe bánh mì mỗi ổ kẹp thịt đều có túi nilon lịch sự, trong túi còn có tăm xỉa răng và mẩu giấy ăn nhỏ… Ngày mỗi nhiều lên hàng bánh cuốn Nam Định, hàng mì Quảng, bánh bột lọc Huế. Chúng thông tin rằng người nhập cư đang bùng nổ!

Có hai hàng bún bò Huế vỉa hè lọt vào tầm ngắm của tôi khi ngồi viết bài này. Một hàng có xe ba-gác chở vật dụng, hàng trăm cái tô màu trắng sáng, những rổ rau của họ rất bắt mắt và nồi niêu, xe đẩy đều bằng inox hết. Có tới năm người phục vụ áng là bà con của nhau, miệng nói tay làm, thoăn thoắt, dịu dàng, hiếu khách.

Tô dĩa đũa dơ họ chồng lên xe ba-gác chở về nhà rửa chứ không sì sụp tại chỗ nên cảm giác hàng họ ngon nhờ sạch. Mỗi bàn cóc đều có giỏ rác bằng nhựa, ai lỡ bỏ rác ra ngoài, một phụ nữ đứng tuổi nhẹ nhàng đi gắp mảnh rác đó cho vô giỏ. Khách thấy, tự ngượng, càng ngày rác càng ít vung vãi.

Ở hàng bùn bò Huế góc kia trái ngược hẳn với “đồng nghiệp” của họ ở góc này. Khác sao? Những bếp than tổ ong thấp, bàn ghế bằng nhựa đã sờn, không bàn nào có giỏ rác và chắc chắn, thực khách là những người xuê xoa dễ tính. Trong nhiều thứ dị ứng tôi (và chắc không chỉ có tôi) với xô bồ của chung quanh, là nỗi ngại, thậm chí khinh ghét cảnh con người thản nhiên ngồi ăn bên miệng cống, bên cạnh đống rác và, nhất là ăn trên rác.

Thế nào là ăn trên rác? Nghĩa là người ta thản nhiên thả giấy ăn và nhả xương, ném xương xuống chân mình dù đang là đôi chân mang giày cũng mặc. Cứ vậy hàng ăn càng gần trưa rác càng tung tóe, có không ít người lê mảnh giấy rác ấy dưới gót giày đi một quãng mà không hay! Có phản cảm không, có kỳ quặc không, thậm chí có đáng bị coi thường không, các bạn?

Tôi nhớ một ông thứ trưởng cái Bộ có tên là văn hóa. Bữa tiệc đã lâu ấy lần đầu tiên tôi ngồi cạnh ông ta. Tôi nhớ chiếc áo viên chức sáng trắng, đôi giày da đen, sở dĩ tôi nhớ các thứ trên người vị chức sắc ấy là vì trong bữa ăn ông ta nhổ xương xuống chân bàn, cạnh cái chân mang giày của ông ta. Chao ơi, không quên được. Thật đáng thương cho tay ấy, tôi nhớ ông ta vì chi tiết ấy! Nó nói mãi với tôi rằng thảo nào ở đâu cũng nhìn thấy bảng hiệu văn hóa: Khu phố văn hóa, xã văn hóa, ấp văn hóa, gia đình văn hóa. Ông, ông là thứ trưởng, ông có văn hóa tối thiểu khi ăn không thưa ông?

Một lần tôi sà xuống hàng bún bò vỉa hè nhiều rác ấy, thử để xem ngổn ngang bẩn thỉu vậy mà sao vẫn có người thản nhiên kết họ mỗi sáng. Quả thật, không sạch nên không thấy ngon, chỉ nghe mãi vị tanh ở đầu mũi, ở trong miệng. Vĩnh biệt! Nhưng chả lẽ mình mắng cả người ăn, sao như vậy mà vẫn ngồi ăn cho được hở các vị? Nhưng gần đó có những gã đàn ông rất khỏe mạnh ngồi xổm bên miệng cống thả câu. Trời ơi, từ bao giờ người ta hé nắp cống ra câu, họ câu lươn, câu cá trê bạn ạ. Thôi, vậy nên ăn trên rác, khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc, phải bị coi là chuyện nhỏ!






















Nguồn: TD (theo NNVN)
 

Grac đô thị không rác

Chủ đề mới

Thành viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
10,833
Bài viết
42,126
Thành viên
31,234
Thành viên mới nhất
khachmua