Sàn giao dịch phế liệu online
Mô hình kinh tế tuần hoàn

Yeumoitruong - Since 2007

Đánh giá sự cố môi trường

hoahong39

Cây công nghiệp
Tham gia
28/10/10
Bài viết
340
Cảm xúc
43
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
Khái niệm
Đánh giá sự cố môi trường (ĐSM) là kỹ thuật đánh giá một hệ thống có tác động có hại thực tế hay tiềm tàng của các chất ô nhiễm lên sức khỏe của thực vật, động vật hay hệ sinh thái. Các kỹ thuật đánh giá rủi ro dựa trên mô hình nhân quả, áp lực – đáp ứng, trong đó chất ô nhiễm được vận chuyển từ nguồn theo một đường đi đến nơi nhận: Nguồn Đường đi Nơi nhận như giới thiệu trong sơ đồ hình 1 [47].

1734

Trình tự đánh giá rủi ro môi trường [47]
Phân loại
  • Phân loại theo giai đoạn: ĐRM được tiến hành theo 2 giai đoạn:
  • Đánh giá rủi ro sơ bộ: được thực hiện trên cơ sở điều kiện số liệu, thông tin hiện có chưa đầy đủ và độ tin cậy thấp với mục tiêu là xác định được các rủi ro chính.
  • Đánh giá rủi ro chi tiết: được tiến hành trên cơ sở kết quả của ĐGRRSB và các số liệu được bổ sung, củng cố từ các đo đạc, quan trắc, nghiên cứu, thực hiện theo đề xuất của ĐGRRSB.
  • Phân loại theo lĩnh vực xảy ra sự cố: Tương ứng với cách phân loại rủi ro theo lĩnh vực, đánh giá rủi ro môi trường cũng được chia thành 3 loại: đánh giá rủi ro sức khỏe, đánh giá rủi ro sinh thái và đánh giá rủi ro công nghiệp [47]
  • Đánh giá rủi ro sức khỏe (HRA): HRA quan tâm đến những cá nhân, tình trạng bệnh tật và số người tử vong. HRA là tiến trình sử dụng các thông tin thực tế để xác định sự phơi nhiễm của cá thể hay quần thể đối với vật liệu nguy hại hay hoàn cảnh nguy hại. Đánh giá rủi ro sức khỏe có ba nhóm chính: rủi ro vật lý; rủi ro hóa chất; rủi ro sinh học.
  • Đánh giá rủi ro sinh thái (EcoRA): được phát triển từ HRA, EcoRA đánh giá trên diện rộng, chú trọng đến quần thể, quần xã và những ảnh hưởng của các chất lên tỉ lệ tử vong và khả năng sinh sản. EcoRA có ba nhóm: đánh giá rủi ro sinh thái do hóa chất; đánh giá rủi ro sinh thái đối với hóa chất bảo vệ thực vật; đánh giá rủi ro sinh thái đối với sinh vật biến đổi gen.
  • Đánh giá rủi ro công nghiệp (IRA): Bao gồm đánh giá rủi ro đối với các hoạt động công nghiệp như: khu vực có sự phát thải; đánh giá rủi ro trong việc lập kế hoạch sản xuất-kinh doanh; đánh giá rủi ro sản phẩm và vòng đời sản phẩm …
Luật BVMT [41] và các luật liên quan tới SCMT như luật hóa chất [42], luật phòng cháy và chữa cháy [44] giới thiệu một số SCMT công nghiệp phổ biến và nguy hại, trong đó có sự cố trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển và sử dụng dầu, khí. Như vậy, sự cố trong sử dụng LPG là SCMT thuộc nhóm rủi ro công nghiệp.

Phân loại theo cấp độ đánh giá rủi ro: ĐRM có thể thực hiện ở 3 cấp độ [47]:

  • cấp 1-mô tả định tính;
  • cấp 2-đánh giá bán định lượng;
  • cấp 3-đánh giá định lượng.
Ở mỗi cấp độ, các nhiệm vụ được thực hiện để cung cấp thông tin gồm: xác định mối nguy hại, đánh giá phơi nhiễm, đánh giá liều–phản ứng, mô tả đặc tính rủi ro. Các thông tin này được sử dụng để ra quyết định có cần phải tiếp tục thực hiện đánh giá cấp độ cao hơn hay không?

Nguyên nhân gây sự cố môi trường
Có 3 nguyên nhân gây SCMT: SCMT do thiên nhiên gây ra, SCMT do con người gây ra, SCMT do cả thiên nhiên và con người kết hợp gây ra [98].

Sự cố môi trường do thiên nhiên gây ra
Là các tai biến tự nhiên như: động đất, bão, sóng thần, cháy rừng...Thiên tai là SCMT gây ra bởi quá trình tự nhiên, thường được coi là bất khả kháng, con người cần sống hoà hợp với chúng. Việc lựa chọn phương án phòng chống thiên tai tập trung vào lựa chọn cách sống và né tránh những ảnh hưởng không mong đợi.

Sự cố môi trường do con người gây ra
Là những hoạt động của con người như xả thải chất ô nhiễm hoặc sự cố kỹ thuật như cháy, nổ nhà máy lọc dầu, vỡ ống dẫn khí, rò rỉ hoá chất nguy hại …

Sự cố môi trường do cả con người và thiên nhiên gây ra
Là hậu quả do các hoạt động của con người và quá trình tự nhiên như hiện tượng mưa acid. Hiện tượng này có nguyên nhân là do con người đã thải ra các khí Cl2, SO2 … phát tán lên bầu khí quyển và tạo ra mưa a xít HCl hay H2SO4 …

Phân biệt nguyên nhân gây ra SCMT có ý nghĩa quan trọng để xác định trách nhiệm pháp lý đối với cá nhân hoặc tổ chức có liên quan.

Các giai đoạn của SCMT [35]
Quá trình sự cố phản ánh tính nhiễu loạn, bất ổn của hệ thống và thường gồm 3 giai đoạn. Với mỗi giai đoạn của sự cố sẽ có những chiến lược ứng phó thích hợp:

  1. Giai đoạn nguy cơ: Đã tồn tại các yếu tố gây hại nhưng chưa gây mất ổn định cho hệ thống.
  2. Giai đoạn phát triển: Tập trung và gia tăng các yếu tố sự cố, xuất hiện trạng thái mất ổn định, nhưng chưa vượt qua ngưỡng an toàn của hệ thống môi trường.
  3. Giai đoạn sự cố: Trạng thái mất ổn định đã vượt qua ngưỡng an toàn của hệ thống, gây ra các thiệt hại không mong đợi cho con người và môi trường.
Chiến lược ứng xử SCMT [35]
Tương ứng với 3 giai đoạn của sự cố có 3 chiến lược ứng xử sự cố sau:

  • Chiến lược I: được tiến hành khi xảy ra SCMT gồm các hành động khẩn cấp nhằm can thiệp để chấm dứt sự cố, đưa hệ thống đến ngưỡng an toàn tạm thời-ngưỡng mà hệ thống môi trường chưa bị phá vỡ nhưng các quá trình sự cố vẫn đang tồn tại có khả năng gây thiệt hại, do đó ngưỡng an toàn này không bền.
  • Chiến lược II: phòng ngừa để giảm sự cố đến mức thấp nhất, cách xa ngưỡng an toàn tạm thời. Chiến lược này bao gồm các hành động ưu tiên có chọn lọc.
  • Chiến lược III: phòng ngừa toàn diện để đưa quá trình sự cố đến ngưỡng an toàn lâu dài. Chiến lược này bao gồm các hành động tổng hợp, tác động lên tất cả các yếu tố của quá trình sự cố. Các hành động có tính phòng ngừa lâu dài như qui hoạch, truyền thông môi trường, hoàn thiện cơ sở luật pháp … thích hợp với chiến lược này. Các giai đoạn chiến lược ứng xử SCMT được biểu diễn ở hình 2


1728

Các giai đoạn chiến lược ứng xử SCMT


Vai trò của đánh giá rủi ro môi trường
ĐGRRMT tạo cơ sở giúp các nhà quản lý môi trường cân bằng giữa trách nhiệm bảo vệ con người và môi trường với sự phát triển kinh tế. Mục đích của đánh giá rủi ro là xác định con người hay các yếu tố môi trường bị tác động. Các nhà quản lý môi trường có nhiệm vụ bảo vệ con người cũng như hệ động, thực vật khỏi những tác động có hại. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, điều này được thực hiện với việc áp dụng các phương pháp chưa triệt để và với chi phí đầu tư thấp. Bên cạnh đó, việc loại trừ triệt để các chất gây ô nhiễm và tác động có hại có thể gây cản trở đối với quá trình sản xuất, kéo theo sự giảm lượng hàng hóa cần thiết [76]. Vì thế cần thực hiện đánh giá SCMT để giúp các nhà quản lý môi trường đưa ra các quyết định hợp lý nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu và loại trừ các tác động có hại gây ra đối với con người, môi trường và xã hội; đồng thời đảm bảo mức sản xuất hợp lý. Vai trò của đánh giá rủi ro trong chu trình quản lý rủi ro được giới thiệu trong hình 3



1727

Chu trình đánh giá rủi ro môi trường


Lịch sử đánh giá rủi ro môi trường
Nghiên cứu về đánh giá SCMT trong sản xuất và đời sống được quan tâm nhiều trên thế giới. ĐGRRMT đã và đang được sử dụng rộng rãi, đặc biệt ở Mỹ, Canađa và các nước khối cộng đồng châu Âu. Phương pháp giải quyết vấn đề dựa vào việc xem xét những rủi ro trở nên nổi bật trong công nghiệp hạt nhân và được tiến hành rộng rãi trong công nghiệp không gian, là ngành có nhiều hệ thống phức tạp và cần thiết phải có độ tin cậy rõ ràng. Trong những năm 1960, phương pháp đánh giá xác xuất của rủi ro – Probabilistic Risk Assessement (PRA) đã phát triển trong ngành công nghiệp này. Sau những sự cố công nghiệp vào những năm giữa thập niên 70 (đáng chú ý nhất là vụ nổ cyclohexane ở Flixborough (Anh) năm 1974 và vụ rò rỉ hơi dioxin tại Seveso (Italia) năm 1976, khung phương pháp luận của công nghiệp hạt nhân được áp dụng trong công nghiệp hóa chất và công nghiệp dầu mỏ ở châu Âu những năm 1980. Có nhiều quy định đối với những chất nguy hại được hình thành như hướng dẫn Seveso ở châu Âu … Vào những năm 1970, phương pháp đánh giá định lượng rủi ro – Quantitative Risk Assessment (QRA) và hướng dẫn Seveso đã được sử dụng trong công nghiệp hóa chất. Từ những năm 1990, trong công nghiệp tàu biển đã áp dụng phương pháp đánh giá độ an toàn – Formal Safety Assessement (FSA). Gần đây nhiều nghiên cứu tại các nước phát triển đã đưa ra nhiều phương pháp đánh giá rủi ro liên quan đến môi trường, bao gồm đánh giá rủi ro sức khỏe (HRA), đánh giá rủi ro sinh thái (ERA) và đánh giá rủi ro công nghiệp (IRA) [47]. Joseph F và B. Diane Louvar [138] nghiên cứu về đánh giá SCMT do hóa chất với phương pháp đánh gía quan hệ liều lượng-phản ứng. ĐGRRMT sơ bộ và chi tiết được áp dụng cho eo biển Malacca (chung của ba nước Singapo, Malaixia và Inđônêxia) năm 1999, đưa ra các kết luận quan trọng về khả năng rủi ro do tràn dầu và các đề xuất liên quan cho ba quốc gia nói trên. ĐGRRSB đã hoàn thành đối với vịnh Manila, Philipin, bước đầu xác định và lượng hóa được mức độ của các rủi ro chính đối với môi trường nước của vịnh.

Ở Việt Nam, đánh giá SCMT đã bước đầu được quan tâm. Luật BVMT Việt Nam giới thiệu những quy định chung về SCMT và phòng ngừa SCMT [41]; Chính phủ ban hành quy chế quản lý an toàn trong các họat động dầu khí [84]. GS.TSKH Lê Huy Bá giới thiệu tổng quan về SCMT và phương pháp đánh gía SCMT [1]; PGS.TS Huỳnh Thị Minh Hằng giới thiệu tổng quan về rủi ro và quy trình đánh giá rủi ro trong họat động dầu khí [26]; GS Lê Văn Khoa giới thiệu tổng quan về tai biến môi trường và cách ứng xử tai biến môi trường [35]; TS. Chế Đình Lý giới thiệu về phân tích hệ thống môi trường và hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường [47], TS. Lê Thị Hồng Trân hướng dẫn đánh giá rủi ro sinh thái và rủi ro sức khỏe [95]; TCT dầu khí Việt Nam ban hành các văn bản hướng dẫn giám sát ATLĐ trong các họat động dầu khí [85], hướng dẫn quản lý rủi ro và ứng cứu khẩn cấp trong các hoạt động dầu khí [86], hướng dẫn quản lý ATLĐ và VSLĐ trong các họat động dầu khí [87] đề cập chủ yếu tới công tác hướng dẫn quản lý an toàn trong chế biến dầu khí. Tuy nhiên, đánh giá sự cố được giới thiệu trong các văn bản nói trên hầu như chỉ mang tính chất định tính. Một số báo cáo đánh giá RRMT cho các dự án cụ thể đã được thực hiện như ĐGRRSB môi trường vùng biển ven bờ thành phố Đà Nẵng được thực hiện bởi nhóm chuyên gia đa ngành với sự tham vấn của các chuyên gia của chương trình hợp tác khu vực trong quản lý môi trường biển Đông nhằm nâng cao năng lực của địa phương trong quản lý tài nguyên, môi trường vùng ven bờ, tạo cơ sở để hoàn thiện chương trình quan trắc môi trường và các kế hoạch, quy định về quản lý tài nguyên, môi trường liên quan và một số báo cáo khác [76]. Trong nền kinh tế phát triển như Việt Nam hiện nay, các nghiên cứu đánh giá về SCMT hiện có chưa đáp ứng yêu cầu BVMT với phát triển kinh tế. Đã đến lúc, đánh giá SCMT cần được nghiên cứu áp dụng rộng rãi hơn nữa nhằm sử dụng hiệu quả hơn các cơ sở dữ liệu môi trường thu thập được trong những năm qua, hoàn thiện các chương trình quan trắc môi trường trên cơ sở các thông tin quan trọng được xác định, tập trung vào những vấn đề ưu tiên, có nguy cơ gây rủi ro cao, tạo cơ sở khoa học tin cậy cho các đề xuất quản lý RRMT [76].

Quy trình chung trong đánh giá rủi ro môi trường
Cả ba loại HRA, EcoRA, IRA đều có chung một phương pháp luận đánh giá nhưng khác nhau về chi tiết theo yêu cầu riêng của từng mục tiêu đánh giá. Các nước khác nhau có những phương pháp và quy trình đánh giá khác nhau nhưng đều gồm những bước như trong hình 1.4 [47]

1729

Quy trình đánh giá rủi ro môi trường tổng quát
Xác định mối nguy hại
Khái niệm
Xác định mối nguy hại là phân tích khoa học nhằm xác định mối quan hệ nhân – quả giữa tác nhân – hóa chất gây nguy hại hoặc có tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường hay không? Bước này nhằm trả lời câu hỏi: “Có tồn tại hay không các tác nhân gây nguy hại trong khu vực quan tâm?”.

Xác định mối nguy hại giúp đưa ra nhận định tính ban đầu về rủi ro về mặt tác động đến sức khỏe. Mục đích là thu thập tất cả các thông tin phù hợp nhằm xác định sự hiện diện các mối nguy hại đối với sức khỏe con người trong môi trường.

Các bước tiếp theo của đánh giá rủi ro tùy thuộc vào các phát hiện trong giai đoạn xác định mối nguy hại.

Nội dung xác định mối nguy hại
Những nội dung chính của công việc nhận diện mối nguy hại bao gồm:

  • Nhận diện các nguy hại: các tác nhân cơ học, vật lý, hóa học … hay là sự kết hợp các tác nhân trên.
  • Liệt kê các hóa chất đưa vào đánh giá rủi ro và lý do lựa chọn.
  • Đánh giá các đặc trưng vật lý, hóa học, độc học của các hóa chất.
  • Chất lượng dữ liệu được xem xét và thống kê được đánh giá.
  • Xác định các quần thể phụ như địa điểm phục hồi hóa chất – công nhân, khách tham quan, dân cư xung quanh, nhân viên văn phòng.
  • Lựa chọn các chủ điểm nhạy cảm nhất.
Để thuận tiện cho công việc mô tả địa điểm, có thể tiến hành phân tích thành phần cấu trúc của địa điểm được đánh giá và lập ra khung làm việc như bảng 1.1

Ma trận địa điểm – nguy hại [47]
Thành phần
Mối nguy hại
CháyNổHóa chấtVật rơi
Thành phần 1
Thành phần 2
…………….
Thành phần n
Đánh giá phơi nhiễm
Đánh giá phơi nhiễm cung cấp thông tin về lượng phát thải ra môi trường, đường truyền và các tuyến tiếp xúc của tác nhân phơi nhiễm để thâm nhập vào vật tiếp nhận. Đánh giá phơi nhiễm là quá trình đánh giá định lượng hay định tính sự thâm nhập của một tác nhân nguy hại vào vật nhận (con người hoặc môi trường) thông qua sự tiếp xúc với môi giới môi trường (nước, không khí, đất). Sự đánh giá được thực hiện thông qua các thông số đầu vào về cường độ, tính liên tục, độ dài thời gian tiếp xúc và tuyến tiếp xúc. Đánh giá phơi nhiễm bao gồm mô tả tính chất và quy mô của các quần thể khác nhau bị phơi nhiễm đối với một hóa chất, độ lớn và thời gian phơi nhiễm của quần thể đó. Các bước đánh giá phơi nhiễm gồm mô tả đặc trưng phơi nhiễm; xác định đường truyền phơi nhiễm; định lượng phơi nhiễm.

Đánh giá độ độc hay phân tích liều–phản ứng [47]
1730

Mối liên hệ giữa RfD, NOAEL và LOAEL đối với hóa chất độc hại
Đánh giá liều–phản ứng bao gồm sự mô tả quan hệ định lượng giữa lượng phơi nhiễm đối với một hóa chất và mức ngộ độc hay bệnh tật.

Mô tả đặc tính rủi ro [95]
Mô tả đặc tính rủi ro là bước cuối cùng xác định phạm vi các tác động bất lợi đến nguồn tiếp nhận dưới điều kiện phơi nhiễm. Các đặc tính rủi ro được tóm tắt và tổng hợp phơi nhiễm và đánh giá độc tính để định tính và định lượng các mức độ rủi ro và xem xét thêm các vấn đề không chắc chắn trong đánh giá rủi ro. Kết quả phơi nhiễm trong vấn đề rủi ro lớn nhất có thể được xác định trong tiến trình này. Các đặc tính rủi ro thích hợp từ các mối nguy hại liên quan đến các vấn đề ONMT cho phép quản lý rủi ro và quyết định đúng hơn để thực hiện tốt hơn. Nó là sự biểu hiện của nguy cơ đối với từng cá thể, các cộng đồng hay từng đối tượng bị tác động khác trên cơ sở lượng hóa, qua đó ta được các giá trị định lượng cao hơn mức trung bình.

Mô tả đặc tính rủi ro định lượng (QRA)
Trường hợp xét đặc tính rủi ro từ chất ung thư và không gây ung thư thì nhiệm vụ là ước lượng rủi ro (tính toán lượng rủi ro từ chất gây ung thư và chất không gây ung thư trên cả ba tuyến phơi nhiễm) và phân tích kết quả để đưa ra những quyết định đúng đắn. Tính toán rủi ro đối với mức phơi nhiễm trung bình và lớn nhất.

Đối với phơi nhiễm lâu dài: sử dụng nồng độ trung bình để tính rủi ro đại diện cho việc ước lượng từ nhiều điểm phơi nhiễm. Đối với phơi nhiễm tức thời: sử dụng nồng độ lớn nhất để tính toán sẽ hiệu quả hơn.

  • Tính toán rủi ro từ chất gây ung thư: R = CDI x SF (1.3).
Trong đó:

  • R: Rủi ro từ chất gây ung thư
  • CDI: Liều lượng hóa chất vào cơ thể liên tục mỗi ngày (mg/kg.ngày).
  • SF: Hệ số dốc đường cong liều lượng – phản ứng (kg.ngày/mg).
Đặc tính rủi ro ung thư cần phải tính toán cho riêng từng hóa chất phù hợp với tuyến và con đường phơi nhiễm. Việc tính toán lặp lại cho mỗi hoàn cảnh và mỗi cộng đồng phơi nhiễm. Mỗi tuyến phơi nhiễm có giá trị SF riêng. Để tính tổng rủi ro từ các chất gây ung thư ta cộng dồn tất cả các rủi ro ung thư của mỗi chất ứng với mỗi tuyến phơi nhiễm.

  • Tính toán rủi ro từ chất không gây ung thư:
1731
(1.4)

Trong đó:

  • CDI: Liều lượng hóa chất vào cơ thể liên tục mỗi ngày (mg/(kg.ngày)).
  • RfD: Liều lượng tham chiếu (mg/(kg.ngày))
  • HI: Chỉ số độc hại. Nếu HI<1: không có ảnh hưởng; nếu HI>1: chất không gây ung thư đang xét có khả năng ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe khi phơi nhiễm.
Chỉ số độc được tính riêng cho từng hóa chất. Trong trường hợp phơi nhiễm với nhiều chất thì chỉ số độc của tuyến phơi nhiễm đó bằng tổng các chỉ số độc của mỗi chất. Nhưng nếu các chất đó không gây ra cùng một loại tác động thì việc xét chỉ số độc tổng cộng là không có tác dụng.

Mô tả các rủi ro bán định lượng (rủi ro yếu, trung bình hoặc cao)
Phương pháp hệ số rủi ro là phương pháp phổ biến để mô tả đặc tính rủi ro bán định lượng. Hệ số rủi ro (RQ) được tính toán bằng tỷ số giữa nồng độ môi trường xác định bằng đo đạc (MEC) hoặc tính toán dự báo (PEC) với nồng độ dự báo ngưỡng là nồng độ không gây tác động (PNEC) lên đối tượng. PNEC được xác định từ các tiêu chuẩn, quy định liên quan.

  • Đối với đánh giá rủi ro môi trường và sinh thái:
1733
(1.5)

  • Đối với đánh giá rủi ro sức khỏe:
1732
(1.6)

Khi: RQ < 1: Rủi ro thấp; RQ ≥ 1: Rủi ro cao

Trong đánh giá rủi ro môi trường, đặc biệt là rủi ro sinh thái thường sử dụng các cấp độ đánh giá chi tiết hơn:

RQ từ 0,01 đến 0,1: rủi ro thấp;

RQ từ 0,1 đến 1: rủi ro trung bình;

RQ ≥1: rủi ro cao.

Giới hạn của đánh giá rủi ro môi trường [47], [95]
Nghiên cứu tác động của các hóa chất trên vi sinh vật, thực vật, động vật và con người thường không đạt kết quả như mong muốn bởi các yếu tố:

  • Sự biến thiên trong sức chịu đựng của các cá thể và loài đối với các tác động của các chất ô nhiễm.
  • Các điều kiện môi trường và các tiến trình tác động lên tính chất của các chất ô nhiễm như là sự chia cắt, chuyển đổi, suy thoái, nhiệt độ, pH, chất hữu cơ…
  • Sự không chắc chắn trong sự ngoại suy dữ liệu nghiên cứu giữa các loài hoặc trong cùng loài.
  • Các lỗ hổng thông tin lớn về cơ chế và các tiến trình tác động đến các chức năng và cơ quan trong cơ thể, chúng tương tác như thế nào và chúng có thể bị tác động bởi ô nhiễm như thế nào?
  • Sự hiểu biết của chúng ta về các tương tác giữa các cá thể người bị tác động, các thực vật, động vật bị tác động trong một quần thể, giữa các quần thể trong một quần xã và giữa các quần xã trong một khu vực và các hệ sinh thái còn giới hạn.
Điều tốt nhất là ta có thể xác định các thông tin cơ bản về các rủi ro gây ra tại một địa điểm là sự hiện diện chất ô nhiễm trong khu vực và khả năng tác động, kiểu tác động của các chất ô nhiễm đến môi trường và con người. Với cách thu thập thông tin, khả năng đo đạc, quan trắc; vấn đề xác định các chất ô nhiễm được tăng cường và cải thiện hay khả năng dự đoán của chúng ta được nâng cao cùng với các biện pháp quản lý thích hợp thì mức độ nguy hại của rủi ro có thể giảm xuống.
Nguồn: http://voer.edu.vn/
 

Grac đô thị không rác

Chủ đề mới

Thành viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
10,833
Bài viết
42,126
Thành viên
31,234
Thành viên mới nhất
khachmua