Sàn giao dịch phế liệu online
Mô hình kinh tế tuần hoàn

Yeumoitruong - Since 2007

Đập nước hủy diệt các con sông

vantuyenenv

Cây đầu làng
Tham gia
26/2/08
Bài viết
519
Cảm xúc
6
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
- Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy các đập nước đã gây hại như thế nào với các dòng sông. Ấy vậy mà trên sông Mekong đã có hàng chục con đập mọc lên... Hầu hết các nghiên cứu khoa học quốc tế nhiều năm qua đều đưa ra kết luận: đập nước gây ra những tác động hết sức nghiêm trọng tới hệ sinh thái các con sông.

ImageView.aspx

Đập Hoover trên sông Colorado (Mỹ) - Ảnh: Wikipedia
Theo Tổ chức môi trường International Rivers (Mỹ), hiện có khoảng 400.000 con đập, hầu hết được xây trong 50 năm qua, đang chắn các con sông trên thế giới. Hồ chứa nước của các con đập hiện chiếm hơn 400.000km2 diện tích mặt đất. Hồ nhân tạo lớn nhất thế giới Volta đằng sau đập Akasombo ở Ghana chiếm tới 4% diện tích quốc gia này.

Phá vỡ hệ sinh thái


Một con đập lớn dựng trên sông sẽ phá vỡ mối liên hệ tự nhiên giữa con sông và vùng đất nó chảy qua, tác động đến toàn bộ lưu vực sông và hệ thống sinh thái nó hỗ trợ. Hệ sinh thái sông và đồng bằng thích nghi chặt chẽ với chu kỳ lũ của con sông. Động thực vật dựa vào lũ để sinh sản, ấp trứng, di trú. Lũ hằng năm đưa dưỡng chất vào đất.

Trong khi đó các con đập cản trở lũ xuống hạ lưu sông. Nghiên cứu của International Rivers và nhiều tổ chức môi trường khác cho thấy các con đập trở thành tường rào ngăn chặn sự di chuyển của các loài sinh vật di trú giữa thượng nguồn và hạ lưu sông. Ví dụ như các loài cá hồi, các con đập cản trở chúng di trú lên thượng nguồn để đẻ trứng, qua đó đẩy số lượng sinh vật di trú giảm xuống.

Mỹ ngừng xây đập từ giữa thập niên 1990

Ở Mỹ, nơi có 5.500 con đập, chính quyền đã ngừng xây đập từ giữa thập niên 1990 và đang đổ tiền để giải quyết những vấn đề lớn do các con đập gây ra. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy 58% các dự án thủy điện trên thế giới được lên kế hoạch và xây dựng mà không hề tính đến tác động môi trường, kể cả khi các tác động này có thể dẫn đến tình trạng ô nhiễm, xói mòn nghiêm trọng...

Cửa sông, nơi nước ngọt chảy ra biển, là hệ thống sinh thái rất đa dạng. Khoảng 80% lượng cá con người đánh bắt được đến từ khu vực này. Việc các con đập thay đổi dòng chảy đến cửa sông là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn cá tại vịnh Mexico, biển Đen và Caspian, vịnh San Francisco ở California...

Sự xuất hiện của con đập Akasombo đã hủy diệt ngành đánh bắt trai sò một thời vô cùng hưng thịnh ở cửa sông Volta, và khiến số lượng các loài cá nhồng ở đây giảm hẳn.

Các con đập cũng làm thay đổi nhiệt độ nước sông, qua đó tạo ra môi trường phi tự nhiên đối với các loài sinh vật địa phương. Các nghiên cứu cho thấy số lượng cá hồi trên sông Towy (Xứ Wales) sụt giảm mạnh có liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ nước sông do đập Llyn Brianne, xây trong thập niên 1960, gây ra. Vấn đề tương tự cũng xảy ra ở sông Rắn và vùng Klamath (bang Oregon, Mỹ).

Theo các nhà sinh học, đập là hình thức gây tác hại lớn nhất trong số các tác động dẫn tới sự sụt giảm của các loài sinh vật nước ngọt. Khoảng 20% trong tổng số 8.000 loài sinh vật nước ngọt hiện đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.

Cắt đứt nguồn trầm tích

Thông thường các con sông mang theo bốn loại trầm tích xuống đáy sông, cho phép sự hình thành bờ sông, châu thổ, phù sa, hồ, đê tự nhiên, đường bờ biển. Các con đập ngăn chặn dòng trầm tích chảy xuống hạ lưu sông. Mất đi nguồn trầm tích, dòng nước sẽ ăn vào bờ và lòng sông, khiến hệ thống bờ sông suy yếu và đáy sông tụt xuống. Khoảng chín năm sau khi hoạt động, đập Hoover trên sông Colorado (Mỹ) khiến đáy sông tụt xuống 4m.

Đáy sông bị tụt xuống kéo theo mực nước ngầm dọc sông xuống thấp, đe dọa hệ thực vật quanh sông và giảm số lượng cá đẻ trứng trên mặt lớp sỏi đáy sông cũng như số động vật không xương sống. Tại Bắc Mỹ, 93% hiện tượng suy giảm số lượng hệ động vật nước ngọt bắt nguồn từ nguyên nhân này.

Trước khi đập Aswan xuất hiện, sông Nile (Ai Cập) mang 124 triệu tấn trầm tích ra biển mỗi năm và gần 10 triệu tấn đến vùng đồng bằng hạ lưu sông. Ngày nay, tới 98% lượng trầm tích đó bị đọng lại đằng sau con đập. Hậu quả là chất lượng đất sụt giảm, ngành nông nghiệp vùng hạ lưu sông Nile bị ảnh hưởng nặng nề. Đập Aswan cũng gây xói mòn nghiêm trọng đường bờ biển. Vấn đề tương tự xảy ra đối với sông Volta. Đập Akasombo cắt đứt nguồn cung cấp trầm tích tới cửa sông Volta, ảnh hưởng đến cả hai nước láng giềng là Togo và Benin. Hiện mỗi năm, đường bờ biển Togo và Benin bị xói mòn 10-15m. Chính quyền Togo phải chi 3,5 triệu USD để bảo vệ mỗi kilômet đường bờ biển.

Các vùng châu thổ cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các con đập. Nghiên cứu vùng đồng bằng sông Pongolo ở Nam Phi cho thấy số lượng sinh vật rừng sụt giảm sau khi một con đập được dựng lên. Và các cánh rừng dọc sông Tana ở Kenya cũng đang chết dần. Các con đập cũng phá vỡ quang cảnh thiên nhiên, đặc biệt khi được xây dựng tại vùng núi.
 

vantuyenenv

Cây đầu làng
Tham gia
26/2/08
Bài viết
519
Cảm xúc
6
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
Diện mạo các đập nước trên sông Mekong

- Chỉ tính riêng phần chảy qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có tên là sông Lan Thương, chiều dài 1.240km đã có trữ lượng tiềm ẩn năng lượng thủy năng là 25.500MW. Nên không có gì ngạc nhiên khi đang có một cuộc chạy đua xây đập nước trên sông Mekong.

ImageView.aspx

Sơ đồ 19 đập nước đã, đang và có kế hoạch xây dựng trên sông Mekong - Đồ họa: NHƯ KHANH

8 con đập khổng lồ ở Trung Quốc

Từ những năm 1980, Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng hệ thống đập thủy điện theo dạng bậc thang trên phần sông Mekong chảy qua nước này.

Hiện có bốn con đập đã và đang được đưa vào sử dụng. Việc Trung Quốc xây những con đập trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của các nước nằm ở hạ nguồn con sông này như Myanmar, Thái Lan, Lào, VN. Xây đập ngăn dòng sẽ làm hệ sinh thái tự nhiên ở lưu vực sông Mekong tổn hại nghiêm trọng, nguồn cá tự nhiên giảm, nguồn nước biến đổi thất thường gây khó khăn cho cuộc sống của người dân các nước hạ nguồn.

Các chuyên gia môi trường đánh giá việc xây hàng loạt con đập trên sông Mekong là tác nhân chính gây nên biến động thất thường của dòng nước và hiện tượng xói mòn ở các nước hạ lưu sông Mekong.

Mạng tin tức thủy điện tỉnh Vân Nam đã liệt kê tám công trình thủy điện chính trên sông Lan Thương của tỉnh này. Trong đó đập Công Quả Kiều (công suất 4,04 triệu MW/năm) do Công ty TNHH thủy điện năng lượng sông Lan Thương, tỉnh Vân Nam là chủ đầu tư đã tiến hành thăm dò địa chất vào ngày 7-11-2008. Đây là công trình thủy điện cấp 1 thuộc công trình khai thác dạng bậc thang đoạn trung - hạ lưu sông Lan Thương, đập cao 105m. Theo kế hoạch, Trung Quốc bắt đầu trữ nước vào tháng 6-2011.

Nằm tiếp nối đập Công Quả Kiều là đập Tiểu Loan (19 triệu MW/năm). Đây là đập lớn thứ hai sau đập Tam Hiệp của Trung Quốc nằm ở trung du lưu vực sông Lan Thương. Bắt đầu thi công vào năm 2006, đập cao 292m và sẽ chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 10-2009.

Tiếp theo là đập Mạn Loan (6,2 triệu MW/năm), khởi công xây dựng vào tháng 5-1986 và đưa vào hoạt động năm 1993. Đập cao 132m với tổng dung tích chứa nước 920 triệu m3. Nằm kế tiếp là đập Đại Triều Sơn (5,9 triệu MW/năm), cách thành phố Côn Minh 600km, cao 111m, tổng dung lượng 940 triệu m3. Tháng 8-1997, bắt đầu thi công và đưa vào hoạt động cuối năm 2001.

Sau Đại Triều Sơn là đập Cảnh Hồng (7,85 triệu MW/năm) - con đập cấp 6 trong dự án hệ thống đập thủy điện bậc thang trên sông Lan Thương. Đập được khởi công vào giữa năm 2003, cao 108m và được đưa vào hoạt động một phần vào giữa năm 2008, đến năm 2009 đã chính thức hoạt động toàn bộ công suất.

Ngoài ra, trong dự án ngăn dòng khai thác nguồn tài nguyên sông Lan Thương còn ba con đập khác đang trong quá trình hình thành từ nay đến năm 2011 là đập Nọa Trát Độ (nằm giữa đập Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng, 23,9 triệu MW/năm), Cảm Lãm (0,87 triệu MW/năm) và Mãnh Tống (55.110 MW/năm) nằm ở đoạn cuối tỉnh Vân Nam giáp với Lào.

Lào, Campuchia, Thái Lan không chịu kém

Lào, nơi sông Mekong chảy dường như xuyên suốt từ bắc chí nam, có đến 23 dự án đập thủy điện. Chín đập chính tập trung ở miền bắc như Pak Beng, Luang Prabang, Xayaboury, Pak Lay, Sanakham, Pak Chom và miền nam có các đập Lat Sua, Donsahong, Ban Koum. Trong đó đập Ban Koum có công suất lớn nhất, khoảng 2.000 MW.

Tại Thái Lan, ngoài hai con đập Sekamen 1 và 3, vào cuối tháng 3-2009 chính phủ đã tuyên bố tái khởi động kế hoạch xây dựng một số con đập trên sông Mekong trị giá khoảng 400 tỉ baht (11 tỉ USD). Theo Bộ Tài nguyên thiên nhiên và môi trường nước này, các con đập dự kiến cho sản lượng điện khoảng 4.000 MW. Theo báo Bangkok Post, những con đập này còn góp phần cung cấp nguồn nước tưới tiêu ở Thái Lan.

Ở khu vực hạ nguồn, Campuchia cũng có hai dự án đập thủy điện là Sambor và Stung Treng, với tổng công suất khoảng 3.600 MW.

Nguồn: tuoitre.com.vn​
 

Grac đô thị không rác

Chủ đề mới

Thành viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
10,830
Bài viết
42,123
Thành viên
31,233
Thành viên mới nhất
khachmua