Sàn giao dịch phế liệu online
Mô hình kinh tế tuần hoàn

dự thảo quy chuẩn về hóa chất nguy hiểm

Minh YMT

Admin
Tham gia
11/3/13
Bài viết
669
Cảm xúc
110
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH, SỬ DỤNG, BẢO QUẢN VÀ VẬN CHUYỂN HÓA CHẤT NGUY HIỂM

National technical regulation on Occupational Safety and Health
in production, commerce, use, handling and transportation of
hazardous chemicals



(DỰ THẢO NGÀY 24.T3.2015)

HÀ NỘI - 2015


Lời nói đầu


QCVN: XX/2015/BLĐTBXH – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động trongsản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hoá chất nguy hiểm do Cục An toàn lao động biên soạn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành theo Thông tư số /2015/TT–BLĐTBXH ngày tháng năm 2015, sau khicó ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ.



QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH,SỬ DỤNG, BẢO QUẢN VÀ VẬN CHUYỂN
HÓA CHẤT NGUY HIỂM
National technical regulation on Occupational Safety and Health

In production, commerce, use, handling and transportation
of hazardous chemicals
1. Quy định chung

1.1. Phạm vi điều chỉnh

1.1.1. Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các loại hóa chất nguy hiểm, bao gồm: hóa chất nguy hiểm thông dụng; hóa chất dễ cháy, nổ theo các chỉ số nguy hiểm dễ cháy nổ được quy định tại các Phụ lục A, B và C của Quy chuẩn này, kể cả hoá chất bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp.

1.1.2. Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng cho chất nổ và chất phóng xạ.

1.2. Đối tượng áp dụng

1.2.1. Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển các loại hóa chất nêu trên.

1.2.2. Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức cá nhân khác có liên quan.

1.3. Giải thích từ ngữ

Quy chuẩn này có sử dụng các thuật ngữ sau:

1.3.1. Hoá chất nguy hiểm (Hazardous chemicals)

Là hoá chất có một hoặc các đặc tính nguy hiểm sau đây (theo nguyên tắc phân loại của hệ thống hài hoà toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hoá chất):

a)Dễ nổ;

b)Ôxy hoá mạnh;

c)Ăn mòn mạnh;

d)Dễ cháy;

e)Độc cấp tính;

f) Độc mãn tính;

g)Gây kích ứng với con người;

h)Gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư;

i) Gây biến đổi gen;

j) Độc đối với sinh sản;

k) Tích luỹ sinh học;

l) Ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ;

m) Độc hại đến môi trường.

1.3.2. Hoá chất dễ cháy, nổ (Explosive flammable chemicals)

Là những hoá chất có thể phân giải gây cháy, nổ hoặc cùng các chất khác tạo thành hỗn hợp cháy, nổ trong điều kiện nhất định về thành phần, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất.

Chú thích - Trong Quy chuẩn này các chất dễ cháy, nổ được phân nhóm theo nhiệt độ bùng cháy và theo giới hạn nổ trong phụ lục B và C.

1.3.3. Hoá chất ăn mòn (Corrosive chemicals)

Là những hoá chất có tác dụng phá huỷ dần các dạng vật chất như: kết cấu xây dựng và máy móc, thiết bị, đường ống ... huỷ hoại da và gây bỏng đối với người và súc vật.

1.3.4. Hoá chất độc (Toxic chemicals)

Là hóa chất nguy hiểm có ít nhất một trong những đặc tính nguy hiểm như: độc cấp tính, độc mãn tính, gây kích ứng với con người, gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư, gây biến đổi gen, độc đối với sinh sản, tích luỹ sinh học, ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ và độc hại đến môi trường.

1.3.5. Sự cố hoá chất (chemical incident)

Là tình trạng cháy, nổ, rò rỉ, phát tán hóa chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho người, tài sản và môi trường.

1.3.6. Sự cố hoá chất nghiêm trọng (serious chemical incident)

Là sự cố hóa chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại lớn, trên diện rộng cho người, tài sản, môi trường và vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của cơ sở hóa chất.

1.3.7. Chất thải nguy hại (hazardous waste)

Là chất thải chứa các đơn chất hoặc hợp chất có một trong các đặc tính gây nguy hại trực tiếp (dễ cháy, nổ, gây ngộ độc, dễ ăn mòn, dễ gây ô nhiễm môi trường và các đặc tính nguy hại khác) hoặc tương tác với các chất khác gây nguy hại tới môi trường, động thực vật và sức khoẻ con người.

2. Yêu cầu an toàn chung

2.1. Yêu cầu về quản lý

2.1.1. Cơ sở có hoá chất nguy hiểm phải có kế hoạch ngăn ngừa và xử lý sự cố hoá chất:

- Phải ưu tiên áp dụng công nghệ sản xuất sạch, thay thế hoá chất độc hại bằng hoá chất không độc hại hoặc ít độc hại hơn;

- Phải có kế hoạch hành động khẩn cấp, tự ứng cứu và các biện pháp hỗ trợ từ bên ngoài, nhằm ứng cứu và khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố hoá chất.

- Tổ chức diễn tập phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

2.1.2. Cơ sở có hoá chất nguy hiểm phải có hệ thống thu hồi và xử lý hơi, khí, bụi của các hoá chất nguy hiểm để đảm bảo môi trường nơi làm việc đạt giới hạn cho phép theo qui định hiện hành tại QCVN 19:2009/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ và QCVN 20:2009 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất hữu cơ.

2.1.3. Khi phát hiện có các sinh vật, gia súc, thực vật bị nhiễm độc ở khu vực có hoá chất nguy hiểm phải có biện pháp tiêu huỷ chúng, đảm bảo an toàn vệ sinh và phải có biên bản về việc xử lý đó. Nghiêm cấm việc mua, bán trao đổi các loại đó và dùng trong sinh hoạt, ăn uống của con người.

2.1.4. Cơ sở có hoá chất nguy hiểm phải lưu giữ phiếu an toàn hóa chất đối với tất cả hóa chất nguy hiểm hiện có trong cơ sở của mình, phải biết rõ được tính chất nguy hiểm, phương pháp phòng ngừa và xử lý sự cố nguy hại xảy ra của từng loại hoá chất; có trách nhiệm cung cấp những thông tin nguy hiểm về hoá chất cho cơ quan quản lý an toàn lao động có thẩm quyền, những đối tượng có liên quan trong hoạt động hoá chất có trách nhiệm cung cấp thông tin trong phiếu an toàn hóa chất cho những người tiếp xúc và sử dụng hoá chất.

2.1.5. Người làm việc tiếp xúc với hoá chất nguy hiểm phải được huấn luyện về an toàn - vệ sinh lao động và được cấp chứng chỉ huấn luyện theo quy định.

2.1.6. Người làm việc trong môi trường hoá chất nguy hiểm phải có sức khoẻ đảm bảo.

2.1.7. Người không có trách nhiệm không được vào nơi có hoá chất nguy hiểm.

2.1.8. Cấm ăn, uống, hút thuốc, nghỉ ngơi, hội họp ở nơi có hoá chất nguy hiểm.

2.1.9. Cơ sở có hoá chất nguy hiểm phải định kỳ khám sức khoẻ cho người lao động, theo dõi độ nhiễm độc hoá chất, kịp thời phát hiện bệnh nghề nghiệp và tổ chức tốt việc điều trị cho người bị nhiễm bệnh.

2.1.10. Cơ sở có hoá chất nguy hiểm phải trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp với tính chất công việc, mức độ độc hại của từng loại hoá chất cho người lao động tiếp xúc với hoá chất nguy hiểm. Phải hướng dẫn cho người lao động cách sử dụng và bảo quản các phương tiện này. Cấm sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân đã bị hỏng, hết hạn sử dụng hoặc không còn tác dụng bảo vệ.

2.1.11. Cơ sở có hoá chất nguy hiểm phải trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy, chất chữa cháy phù hợp với tính chất của hoá chất nguy hiểm. Phải huấn luyện, hướng dẫn cho người lao động biết cách sử dụng thành thạo và bảo quản các trang thiết bị, dụng cụ đó.

2.1.12. Cơ sở có hoá chất nguy hiểm phải có trách nhiệm thực hiện các qui định pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.

2.1.13. Tất cả các trường hợp tai nạn lao động, sự cố xảy ra do hoá chất nguy hiểm đều phải được xử lý kịp thời, khai báo, điều tra, lập biên bản và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền theo đúng qui định.

2.1.14. Trường hợp xảy ra sự cố hóa chất (cháy, nổ, đổ, vỡ,...) người chịu trách nhiệm về hàng hóa hoặc lãnh đạo cơ sở nơi xảy ra tại nạn phải huy động lực lượng để ứng phó, khắc phục, xử lý sự cố và báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

2.1.15. Người gọi điện thoại báo công an phòng cháy chữa cháy và y tế cấp cứu, phải chỉ dẫn địa chỉ rõ ràng, thông báo loại hoá chất bị sự cố, trực đón và chuẩn bị đường dẫn nhanh nhất tới vị trí xảy ra cháy, nổ.

2.1.16. Phải tổ chức canh gác và cắm biển để khoanh vùng và cách ly hiện trường (khu vực có hoá chất bắn ra, đổ vỡ, chảy tràn...) phải tiến hành và hoàn thành một cách triệt để việc xử lý hiện trường.

2.1.17. Chỉ những người hiểu rõ tính chất nguy hiểm của hoá chất, biết phương pháp xử lý và có đủ phương tiện bảo vệ cá nhân mới được xử lý sự cố.

2.1.18. Cơ sở có hoá chất nguy hiểm thuộc danh mục các mặt hàng hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, ngoài việc áp dụng tiêu chuẩn này còn phải thực hiện theo các qui định hiện hành của pháp luật.

2.1.19. Cơ sở có hoá chất nguy hiểm phải có qui chế quản lý chặt chẽ trong việc xuất, nhập hàng. Chỉ người có trình độ chuyên môn phù hợp được giao trách nhiệm quản lý hoá chất nguy hiểm mới được phép giao, nhận. Phải có sổ theo dõi xuất, nhập, tồn kho hàng ngày, khi thấy thiếu, thừa, sai qui cách phải báo ngay với cấp trên.

2.1.20. Khi giao nhận hoá chất nguy hiểm, chứng từ phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, có chữ ký người giao hàng, người nhận hàng và xác nhận của cơ sở có hàng. Chỉ được giao, nhận hàng có bao bì nguyên vẹn và đầy đủ nhãn hàng hoá với đầy đủ các thông tin theo qui định hiện hành.

2.1.21. Hoá chất hết thời hạn sử dụng hoặc mất phẩm chất phải được xử lý, nếu huỷ bỏ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện hành.

2.1.22. Trang bị các vòi và bồn rửa ở trong hoặc ngay bên ngoài khu vực có hoá chất nguy hiểm đảm bảo đủ điều kiện để người lao động rửa, làm sạch kịp thời, hiệu quả ngay khi bị hoá chất nguy hiểm văng, bắn vào người hoặc vệ sinh sau khi hết ca làm việc. Cơ sở có hoá chất nguy hiểm phải bố trí nơi giặt quần áo và chỗ để quần áo bảo hộ lao động cho người lao động sau mỗi ca làm việc.

2.2. Yêu cầu về nhà kho, nhà xưởng

2.2.1. Nhà xưởng, nhà kho của các cơ sở có hoá chất nguy hiểm, khi thiết kế xây dựng mới hoặc cải tạo lại phải đảm bảo các qui định về phòng cháy, chống cháy cho nhà xưởng, công trình; Phải đảm bảo khoảng cách an toàn với khu dân cư theo các qui định hiện hành. Nếu đặt các cơ sở này ở gần sông, phải đặt ở sau dòng chảy của khu dân cư và cuối nguồn nước.

2.2.2. Không được bố trí nhà xưởng, nhà kho ở đầu hướng gió thuộc hướng gió ưu thế so với cơ sở. Nếu bố trí các cơ sở này trong hang hầm thì phải có đủ các biện pháp đảm bảo yêu cầu về an toàn lao động và vệ sinh lao động.

2.2.3. Hệ thống thông gió nhà xưởng, nhà kho phải theo các qui định tại TCVN 3288:1979 Hệ thống thông gió. Yêu cầu chung về an toàn.

2.2.4. Không khí để cấp thông gió cho nhà xưởng, nhà kho phải hút từ vùng khí sạch, hoặc đã được lọc sạch.

2.2.5. Nước thải từ các nhà xưởng, kho chứa hoá chất nguy hiểm phải được thu gom vào hệ thống riêng để xử lý trước khi thải vào hệ thống chung; phải đảm bảo khi thải ra ngoài môi trường đáp ứng được các qui định tại QCVN 40:2011/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.

2.2.6. Nhà xưởng, kho hoá chất nguy hiểm phải khô ráo không thấm, dột; phải có hệ thống thu lôi chống sét và định kỳ kiểm tra hệ thống này theo các qui định hiện hành.

2.2.7. Kho hoá chất nguy hiểm phải được kiểm tra định kỳ hàng năm về an toàn và biện pháp đảm bảo an toàn trước mùa mưa, bão.

2.2.8. Khu vực chứa hoá chất nguy hiểm phải được qui hoạch, sắp xếp theo tính chất của từng loại hoá chất. Không xếp trong cùng một kho các hoá chất có khả năng phản ứng với nhau, hoặc có phương pháp chữa cháy khác nhau.

2.2.9. Bên ngoài kho, xưởng phải có biển "CẤM LỬA", "CẤM HÚT THUỐC", chữ to, màu đỏ; biển ghi ký hiệu chất chữa cháy. Các biển này phải rõ ràng và để ở chỗ dễ thấy nhất.

2.2.10. Khi xếp hoá chất trong kho phải đảm bảo yêu cầu an toàn cho người lao động và hàng hoá như sau:

- Đối với hàng đóng bao phải xếp trên bục hoặc trên giá đỡ, cách tường ít nhất 0,5 m; đối với hoá chất kỵ ẩm phải xếp trên bục cao tối thiểu 0,3 m;

- Hoá chất dạng lỏng chứa trong thùng phuy, can... và hoá chất dạng khí chứa trong các bình chịu áp lực phải được xếp đúng qui định;

- Các lô hàng không được xếp sát trần kho và không cao quá 2 m;

- Lối đi chính trong kho rộng tối thiểu 1,5 m;

- Không được xếp các lô hàng nặng quá tải trọng của nền kho;

- Không được để các bao bì đã dùng, các vật liệu dễ cháy ở trong kho;

2.2.11. Đối với các bồn chứa ngoài trời phải có biện pháp tránh mưa nắng, loại trừ được khả năng cháy, nổ bồn. Phải trang bị hệ thống chống sét cho các bồn này.

2.2.12. Tại mỗi phân xưởng, kho lưu trữ có hoạt động liên quan đến hoá chất nguy hiểm phải có bảng hướng dẫn cụ thể về qui trình thao tác an toàn và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.

2.3. Yêu cầu về thiết bị

2.3.1. Khi thay thế, bổ sung các chi tiết như: thiết bị đơn lẻ, đường ống, các van, khoá hãm... sử dụng với hoá chất nguy hiểm phải đảm bảo độ bền cơ học, hoá học, độ chịu lửa, chịu nhiệt, độ kín theo đúng chỉ tiêu kỹ thuật qui định.

2.3.2. Thiết bị vận chuyển (băng tải, băng nâng) phải có hệ thống phát tín hiệu cảnh báo trước khi khởi động.

2.3.3. Bề mặt nóng của thiết bị và ống dẫn có thể gây bỏng cho người làm việc, phải được che chắn cách ly.

2.3.4. Hệ thống đo lường, kiểm soát công nghệ của các thiết bị trong các quá trình sản xuất hoá chất nguy hiểm phải được kiểm tra định kỳ, hiệu chuẩn sai số đảm bảo cho thiết bị vận hành ổn định.

2.3.5. Đối với các bồn, bình, chai chứa hóa chất, trước khi nạp hóa chất nguy hiểm, cơ sở thực hiện nạp phải kiểm tra hóa chất cũ chứa trong chai có phù hợp với hóa chất mới nạp vào hay không, loại trừ khả năng cháy nổ khi nạp vào hóa chất mới.

2.3.6. Cơ sở nạp hóa chất phải có sổ theo dõi ghi lại thông tin cần thiết về các bồn, bình, chai chứa hóa chất nói trên khi tiến hành nạp.

2.3.7. Chỉ nạp hoá chất nguy hiểm vào những thiết bị đã được kiểm định theo quy định.

2.4. Yêu cầu về bao bì

2.4.1. Vật liệu, chủng loại, kết cấu và kiểm tra bao bì phải theo các qui định trong TCVN 6406 : 1998 sử dụng bao bì trong sản xuất – Yêu cầu chung về an toàn.

2.4.2. Vật chứa, bao bì phải đảm bảo kín và chắc chắn. Bao bì khi dùng hết phải bảo quản riêng. Trường hợp sử dụng lại bao bì thì phải làm sạch, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến hoá chất mới hoặc gây nguy hiểm, trước trước khi sử dụng lại phải được người có trách nhiệm kiểm tra và ghi vào sổ kiểm tra.

2.4.3. Vật liệu kê, đậy phải được đánh dấu để phân biệt từng loại hoá chất, không được dùng lẫn của nhau.

2.4.4. Vật chứa, bao bì chứa đựng hoá chất nguy hiểm phải có nhãn hàng hoá ghi đầy đủ các nội dung theo qui định về ghi nhãn hàng hoá hiện hành.

2.4.5. Nhãn của hoá chất phải đảm bảo rõ, dễ đọc và không bị rách. Trường hợp nhãn bị mất, không phân biệt được là chất gì, phải phân tích, xác định rõ tên và thành phần chính của hoá chất để bổ sung nhãn mới trước khi đưa ra lưu thông hoặc đưa vào sử dụng (kể cả trong trường hợp phải tiêu hủy).

3. Yêu cầu an toàn trong sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển và kinh doanh hóa chất nguy hiểm

3.1. Yêu cầu về an toàn trong sản xuất và sử dụng hóa chất nguy hiểm

3.1.1. Đối với sản xuất và sử dụng hóa chất dễ cháy, nổ

3.1.1.1. Nơi sản xuất phải có lối thoát nạn và có các buồng phụ. Những buồng phụ này phải cách ly với buồng chính bằng các cấu kiện có giới hạn chịu lửa nhỏ nhất là 1,5 giờ.

3.1.1.2. Phải có các qui định chặt chẽ chế độ dùng lửa cho từng khu vực sản xuất. Khi cần thiết sửa chữa cơ khí, hàn điện hay hàn hơi phải có quy trình làm việc an toàn phòng chống cháy, nổ mới được tiến hành.

3.1.1.3. Cầu dao, cầu chì, ổ cắm điện phải đặt ở ngoài khu vực chứa các hoá chất dễ cháy, nổ. Bất kỳ nhánh dây điện nào cũng đều phải có cầu chì hay thiết bị bảo vệ tương đương.

3.1.1.4. Hệ thống điện chiếu sáng phải là loại phòng nổ, phải ngăn ngừa sự xâm nhập của hơi khí, bụi dễ cháy, nổ vào thiết bị chiếu sáng.

3.1.1.5. Khi sửa chữa, thay thế thiết bị điện thuộc nhánh nào thì phải cắt điện dẫn vào nhánh đó và treo bảng cấm đóng điện. Chỉ người chịu trách nhiệm, có kỹ thuật về điện mới được làm việc này.

3.1.1.6. Máy, thiết bị làm việc trong khu vực hoá chất dễ cháy, nổ đều phải là loại an toàn phòng chống cháy, nổ.

3.1.1.7. Dụng cụ làm việc trong khu vực hoá chất dễ cháy, nổ đều phải làm bằng vật liệu không phát sinh tia lửa do ma sát hay va đập.

3.1.1.8. Trước khi đưa đường ống hay thiết bị vào sử dụng để chứa một chất có khả năng gây cháy, nổ, hoặc trước và sau khi sửa chữa đều phải thực hiện nghiêm ngặt các qui trình phòng chống cháy, nổ đối với đường ống như:

-Thử kín, thử áp (nếu cần).

-Thông rửa bằng môi chất thích hợp hoặc khí trơ.

-Tiến hành xác định hàm lượng ô xy, không khí hoặc chất cháy, nổ còn lại sao cho không còn khả năng tạo chất cháy, nổ.

3.1.1.9. Không dùng khí nén có ôxy để nén đẩy hoá chất dễ cháy, nổ từ thiết bị này sang thiết bị khác.

3.1.1.10. Khi san rót hoá chất dễ cháy, nổ từ bình này sang bình khác, phải tiếp đất bình chứa và bình rót.

3.1.1.11. Không được gia nhiệt hoá chất lỏng dễ cháy bằng ngọn lửa trực tiếp. Chỉ được mở nắp sau khi đã đun xong và khi hỗn hợp bên trong đã nguội.

3.1.1.12. Khi pha dung môi vào khối hoá chất lỏng ở thiết bị hở phải cách xa vùng có lửa ít nhất 10m. Chỉ được pha dung môi vào khối hoá chất lỏng khi nhiệt độ khối hoá chất lỏng thấp hơn nhiệt độ sôi của dung môi.

3.1.1.13. Không dùng ngọn lửa trực tiếp để soi sáng tìm chỗ hở của đường ống dẫn, thiết bị chứa hoá chất dễ cháy, nổ mà phải dùng nước xà phòng hay các chất khác không có khả năng gây cháy, nổ với các hoá chất trong ống dẫn, thiết bị.

3.1.1.14. Trong quá trình sản xuất hoặc sử dụng các hoá chất dễ cháy, nổ, việc sử dụng các chất thêm vào phải đảm bảo các yêu cầu sau:

-Thực hiện đúng qui trình công nghệ sản xuất.

-Biết rõ ảnh hưởng của chất thêm vào đối với tính chịu nhiệt, tính dễ cháy, nổ của loại hoá chất dễ cháy, nổ đó.

-Chất thêm vào không có tạp chất lạ (bị nhiễm bẩn).

3.1.1.15. Khi sơn xì, nhất là sơn trong không gian kín phải đảm bảo hỗn hợp dung môi pha sơn với không khí thấp hơn giới hạn cháy dưới 10% và tránh hiện tượng tĩnh điện gây ra cháy.

3.1.1.16. Phải có ống dẫn nước, hệ thống thoát nước; tránh sự ứ đọng của các loại hoá chất dễ gây cháy, nổ.

3.1.1.17. Khi xảy ra cháy ở khu vực có máy thông gió đang hoạt động phải lập tức dừng máy thông gió lại để cháy không lan rộng ra những vùng khác, rồi áp dụng các biện pháp chữa cháy phù hợp.

3.1.2. Đối với sản xuất và sử dụng hóa chất ăn mòn

3.1.2.1. Phải có biện pháp hạn chế sự ăn mòn, bảo vệ công trình xây dựng.

3.1.2.2. Đường đi phía trên thiết bị có hoá chất ăn mòn phải được rào chắn vững chắc, có tay vịn. Thành thiết bị, bể chứa phải cao hơn vị trí người thao tác ít nhất 1 m, không được xây bục hoặc kê bất cứ vật gì làm giảm chiều cao nói trên.

3.1.2.3. Không được ôm, vác trực tiếp hoá chất ăn mòn gây nguy hiểm cho người làm việc. Khi nâng lên cao đóng rót và khi di chuyển phải có thiết bị chuyên dùng.

3.1.2.4. Khi tẩy rửa, sửa chữa thiết bị, ống dẫn hoá chất ăn mòn phải có phương án làm việc an toàn, được tiến hành dưới sự chỉ dẫn của những người am hiểu về kỹ thuật, biết cách xử lý những sự cố có thể xảy ra trong khi thực hiện.

3.1.2.5. Tại nơi có hoá chất ăn mòn phải có tủ thuốc cấp cứu, vòi nước, thùng chứa hoá chất trung hoà thích hợp để cấp cứu kịp thời khi xảy ra tai nạn.

3.1.2.6. Phải thường xuyên kiểm tra, tu sửa máy móc, thiết bị, không để hoá chất ăn mòn làm mòn máy, ống dẫn và đệm máy.

3.1.3. Đối với sản xuất và sử dụng hóa chất độc

3.1.3.1. Cơ sở phải có nội qui xuất nhập hoá chất độc nghiêm ngặt, sổ xuất nhập ghi chép đầy đủ, đảm bảo quản lý chính xác về khối lượng hoá chất độc chứa trong kho so với sổ sách. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ kiểm kê hàng tháng, hàng quí.

3.1.3.2. Nơi có hơi khí độc, bụi độc phải thông gió tự nhiên và kết hợp với các biện pháp thông gió cưỡng bức để đảm bảo nồng độ chất độc trong môi trường làm việc không vượt quá nồng độ giới hạn cho phép theo qui định hiện hành.

3.1.3.3. Khi tiếp xúc với hoá chất độc, phải có mặt nạ phòng độc. Khi sử dụng mặt nạ phòng độc phải tuân thủ những qui định sau đây:

-Mặt nạ phải phù hợp với loại hoá chất độc.

-Phần mặt phải phù hợp với kích thước người sử dụng.

-Cấm dùng mặt nạ hết tác dụng. Phải bảo quản tốt mặt nạ và phải định kỳ kiểm tra thời gian có tác dụng bảo vệ của mặt nạ.

-Khi không sử dụng phải cất giữ mặt nạ ở nơi có ít khí độc.

3.1.3.4. Khi tiếp xúc với bụi độc phải dùng quần áo bảo vệ ngăn bụi độc tiếp xúc trực tiếp với người và có khẩu trang chống bụi độc. Khi tiếp xúc với chất lỏng độc cần phải che kín cổ tay, chân, ngực. Khi làm việc với dung môi hữu cơ hoà tan phải mang quần áo bảo vệ không thấm và mặt nạ cách ly hoặc mặt nạ lọc hơi hữu cơ.

3.1.3.5. Nghiêm cấm sử dụng lại các dụng cụ, bình chứa, bao bì đựng hoá chất độc để chứa các chất khác.

3.1.3.6. Các bình chứa, bao bì đã đựng hoá chất độc trước khi thải loại ra đều phải khử độc và tiêu huỷ đúng qui định.

3.1.3.7. Máy, thiết bị, ống dẫn hoá chất độc đều phải được bảo đảm bền và kín, các ống dẫn khí phải được thiết kế sao cho hạn chế được tối đa các chỗ nối, chờ, nối dự phòng.

3.1.3.8. Nơi có hoá chất độc phải có các tín hiệu báo động tình trạng thiếu an toàn của máy, thiết bị, báo hiệu các chặng sản xuất đặc biệt, báo hiệu “CẤM” như cấm đóng mở máy, cấm tháo hơi nước ... trong quá trình sản xuất.

3.1.3.9. Cấm hút dung dịch hoá chất độc bằng miệng. Khi lấy mẫu chất lỏng trong thiết bị, phải sử dụng những dụng cụ đã qui định. Không được tiếp xúc trực tiếp hoá chất độc. Các dụng cụ cân, đong hoá chất độc sau khi đã dùng phải được lau rửa sạch sẽ.

3.1.3.10. Trước khi đưa người vào làm việc ở nơi kín, có hoá chất độc, phải kiểm tra không khí ở nơi đó, chỉ khi đảm bảo an toàn mới cho người vào làm việc Phải khử độc bằng biện pháp phù hợp, đảm bảo nồng độ chất độc còn lại nhỏ hơn nồng độ giới hạn cho phép, mới cho người vào làm việc. Khi làm việc ở những nơi đó phải có từ hai người trở lên, một người vào làm việc, một người đứng ngoài giám sát để cấp cứu kịp thời khi cần thiết.

3.1.3.12. Thiết bị chứa hoá chất độc dễ bốc hơi, dễ sinh bụi phải kín, nếu không do qui trình sản xuất bắt buộc thì không được đặt cùng với bộ phận khác không có hoá chất độc.

3.2. Yêu cầu về an toàn trong cất giữ và bảo quản hóa chất nguy hiểm

3.2.1. Đối với cất giữ và bảo quản hóa chất dễ cháy, nổ.

3.2.1.1. Phải chia thành nhiều khu vực, kho riêng theo mức độ dễ cháy, nổ của các nhóm hoá chất, để bảo quản được an toàn theo qui định.

3.2.1.2. Kho chứa hoá chất dễ cháy, nổ phải cách ly với lửa và nguồn nhiệt. Phải chấp hành nghiêm ngặt các qui định sau:

- Cấm đem các vật gây ra lửa vào kho, cấm chiếu sáng bằng lửa, chỉ được chiếu sáng bằng đèn phòng nổ. Cấm hàn hoặc làm những việc phát ra tia lửa gần kho dưới 15m.

- Không đi giầy đinh hoặc có đóng cá sắt vào kho. Khi vận chuyển đồ chứa bằng kim loại, cấm quăng quật, kéo lê trên sàn cứng, cấm dùng các dụng cụ gây ra tia lửa.

- Cấm để các vải lau, giẻ bẩn dính dầu mỡ trong kho.

- Các xe chạy bằng ắc qui, thiết bị nâng, xúc bằng điện phải lắp động cơ an toàn phòng nổ.

3.2.1.3. Bao bì chứa hoá chất dễ cháy, nổ dưới tác dụng của ánh sáng, phải bằng vật liệu hoặc có màu cản được ánh sáng hoặc được bọc bằng các vật liệu ngăn ngừa ánh sáng chiếu vào. Các cửa kính của nhà kho phải sơn cản ánh sáng hoặc dùng kính mờ.

3.2.1.4. Chất lỏng dễ cháy, bay hơi phải chứa trong các thùng không rò rỉ và để trong hang hầm hoặc để trong kho thoáng mát, không tồn chứa cùng các chất ô xy hoá trong một kho.

3.2.2. Đối với cất giữ và bảo quản hóa chất ăn mòn.

3.2.2.1. Kho chứa hoá chất ăn mòn phải làm bằng các vật liệu không bị chất ăn mòn phá huỷ. Nền nhà kho phải bằng phẳng, phải có máng thu hồi, xung quanh chỗ để phải có gờ cao ít nhất 0,1 m hoặc rải một lớp cát dày 0,2 - 0,3 m.

3.2.2.2. Cấm để các chất hữu cơ (như rơm, vỏ bào, mùn cưa, giấy), chất ô xy hoá, chất dễ cháy, nổ trong cùng một kho với hoá chất ăn mòn. Phải phân chia khu vực bảo quản hoá chất ăn mòn theo tính chất của chúng.

3.2.2.3. Hoá chất ăn mòn vô cơ có tính axit, hoá chất ăn mòn hữu cơ có tính axit, chất ăn mòn có tính kiềm và các chất ăn mòn khác phải bảo quản ở những khu vực hoặc kho riêng.

3.2.2.4. Mỗi loại axit phải để theo từng khu vực riêng trong kho. Các bình axit phải để theo từng lô và phải có thẻ kho để theo dõi. Giữa các lô phải để lối đi rộng ít nhất là 1 m. Khi sắp xếp hoá chất ăn mòn phải để đúng chiều qui định.

3.2.2.5. Bao bì chứa hoá chất ăn mòn phải làm bằng vật liệu không bị hoá chất ăn mòn phá huỷ, phải đảm bảo kín; hoá chất ăn mòn dạng lỏng, không được nạp đầy quá hệ số đầy theo qui định.

3.2.2.6. Những người làm việc trong kho phải thường xuyên kiểm tra độ kín của bao bì, thiết bị chứa hoá chất ăn mòn, định kỳ kiểm tra chất lượng hoá chất và có biện pháp xử lý kịp thời. Khi tiếp xúc phải dùng phương tiện bảo vệ cá nhân.

3.2.2.7. Ngay bên ngoài kho phải có các biển cảnh báo an toàn phù hợp ứng với các loại hóa chất bảo quản trong kho.

3.2.3. Đối với cất giữ và bảo quản hóa chất độc.

3.2.3.1. Hoá chất độc phải bảo quản trong kho có tường và nền không thấm nước, không bị ảnh hưởng của lũ lụt, xa nơi đông dân cư, đảm bảo khoảng cách an toàn theo qui định, kho phải có khoá bảo đảm, chắc chắn.

3.2.3.2. Khi bảo quản, nếu cần san rót, đóng gói lại bao bì, không được thao tác ở trong kho mà phải làm ở nơi thông thoáng, đảm bảo vệ sinh an toàn, hoặc nơi có trang bị hệ thống hút hơi khí độc.

3.2.3.3. Trước khi vào kho hoá chất độc phải mở thông các cửa làm thoáng kho. Khi vào kho phải trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân.

3.3. Yêu cầu về an toàn trong xếp dỡ, vận chuyển hóa chất nguy hiểm

3.3.1. Yêu cầu chung

3.3.1.1. Phương tiện vận chuyển phải được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải kiểm định, cấp phép lưu hành và còn trong thời hạn sử dụng.

3.3.1.2. Phương tiện vận chuyển phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật cho việc vận chuyển hóa chất nguy hiểm quy định tại điểm c khoản 2 mục III Thông tư số 02/2004/TT-BCN ngày 31/12/2004 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 13/2003/NĐ-CP.

3.3.1.3. Khi chuyên chở hoá chất nguy hiểm phải đảm bảo các yêu cầu đối với vật chứa sau:

- Vật chứa phải bằng vật liệu không gây phản ứng hoá học với hoá chất bên trong, không bị hoá chất bên trong phá huỷ;

- Vật chứa bằng gỗ thì bên trong phải lót bằng thứ vật liệu bền đảm bảo hoá chất không thấm, lọt ra ngoài;

- Vật chứa bằng thuỷ tinh, sành sứ phải là loại tốt, nút kín, không rạn nứt. Các bình này phải đặt trong sọt, hộp hoặc cũi gỗ chèn bằng các vật liệu mềm;

- Vật chứa bằng kim loại phải có nắp kín, nếu cần phải cặp chì niêm phong;

- Vật chứa các hoá chất lỏng và dạng keo phải kín, đảm bảo không để hoá chất thấm chảy ra ngoài. Các kiện hàng phải đóng gọn chắc chắn để xếp dỡ dễ dàng;

- Vật chứa là loại chịu áp lực phải chèn, chống va đập.

3.3.1.4. Bao bì rỗng trước đây đã chứa đựng hoá chất nguy hiểm, chỉ sau khi đã làm sạch cả bên trong và bên ngoài thì khi vận chuyển mới được coi như hàng hoá bình thường, nếu chưa làm sạch, vẫn phải coi như hàng hoá nguy hiểm.

3.3.1.5. Trước khi hàng đến ga, cảng, cơ quan vận chuyển phải thông báo cho cơ quan nhận hàng biết để có kế hoạch tiếp nhận kịp thời.

3.3.1.6. Người lao động và người lái xe ngoài việc được học về chuyên môn còn phải được huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động trong lĩnh vực hoá chất và được cấp chứng chỉ huấn luyện.

3.3.2. Yêu cầu an toàn khi xếp dỡ

3.3.2.1. Trước khi tiến hành xếp dỡ, người phụ trách xếp, dỡ phải kiểm tra bao bì, nhãn hiệu và trực tiếp điều khiển hướng dẫn biện pháp làm việc an toàn.

3.3.2.2. Cấm xếp các loại hoá chất có khả năng phản ứng với nhau, kỵ nhau hoặc cách chữa cháy khác nhau trên cùng một xe, một toa tàu, một xà lan, một thuyền. Các kiện hàng phải xếp khít với nhau, phải chèn lót tránh lăn đổ, xê dịch.

3.3.2.3. Khi xếp dỡ hàng phải theo các qui địnhtại TCVN 3147 : 1990 Quy phạm an toàn trong công tác xếp dỡ - Yêu cầu chung.

3.3.2.4. Trên đường vận chuyển, nếu bốc dỡ bớt hàng xuống, phần còn lại phải chèn buộc cẩn thận đảm bảo không lăn, đổ xê dịch mới được tiếp tục vận chuyển.

3.3.2.5. Trong quá trình xếp dỡ không được kéo lê, quăng vứt, va chạm làm đổ vỡ. Không được ôm vác hoá chất nguy hiểm vào người. Các bao bì đặt đúng chiều ký hiệu qui định.

3.3.2.6. Phải kiểm tra thiết bị nâng chuyển bảo đảm an toàn mới được tiến hành xếp dỡ các kiện hàng.

3.3.3. Yêu cầu an toàn trong vận chuyển

3.3.3.1. Trước khi xếp hoá chất nguy hiểm lên phương tiện vận chuyển, người có hàng và người phụ trách phương tiện vận chuyển phải cùng kiểm tra, nếu phương tiện vận chuyển đảm bảo an toàn mới được xếp hàng lên.

3.3.3.2. Khi vận chuyển hoá chất nguy hiểm, cơ quan có hàng phải gửi kèm các giấy tờ theo qui định hiện hành, thông báo cho cơ quan tiếp nhận và cơ quan chịu trách nhiệm vận chuyển, bốc dỡ.

3.3.3.3. Khi vận chuyển hoá chất nguy hiểm, nhân viên áp tải hoặc người vận chuyển, phải biết rõ tính chất hoá lý của hoá chất, biện pháp đề phòng và cách giải quyết các sự cố. Khi đi theo hàng, nhân viên áp tải hoặc người vận chuyển phải mang theo đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp.

3.3.3.4. Cấm vận chuyển các bình ô xy cùng với bình khí dễ cháy và các chất dễ cháy khác.

3.3.3.5. Xe chuyên dụng vận chuyển các chất lỏng dễ cháy phải có sử dụng dây tiếp đất và có biển cấm lửa. Trên xe phải trang bị phương tiện chữa cháy thích hợp.

3.3.3.6. Hoá chất dễ cháy, nổ nguy hiểm khi vận chuyển phải có giấy phép vận chuyển hàng cháy, nổ của cơ quan có thẩm quyền.

3.3.3.7. Khi vận chuyển hoá chất nguy hiểm, xe phải có mui hoặc bạt che tránh mưa, nắng...

3.3.3.8. Cấm vận chuyển hoá chất nguy hiểm chung với người, gia súc và các hàng hoá khác.

3.3.3.9. Trên đường vận chuyển hoá chất nguy hiểm, chủ phương tiện không được đỗ dừng phương tiện ở nơi công cộng đông người (chợ, trường học, bệnh viện...). Đối với hoá chất nguy hiểm bị nhiệt tác động, khi vận chuyển không được dừng, đỗ nơi phát sinh ra nguồn nhiệt và không được đỗ lâu dưới trời nắng gắt.

3.4. Yêu cầu về an toàn đối với các đơn vị hoạt động kinh doanh hoá chất nguy hiểm

3.4.1. Các đơn vị hoạt động kinh doanh hoá chất nguy hiểm khi vận chuyển hoá chất nguy hiểm phải đảm bảo các yêu cầu được quy định tại mục 3.3.

3.4.2. Nếu như chỉ kinh doanh mà không tham gia vận chuyển hoá chất thì cần phải làm rõ trách nhiệm về an toàn hoá chất với bên mua hoặc bên bán hoá chất nguy hiểm. Đơn vị kinh doanh phải bố trí cán bộ giám sát quá trình vận chuyển hoá chất nguy hiểm để đảm bảo an toàn và đúng theo quy định.

3.4.3. Người quản lý, cán bộ giám sát và người lao động trực tiếp tiếp xúc với hoá chất nguy hiểm phải được huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong lĩnh vực hoá chất và được cấp chứng chỉ huấn luyện theo quy định.

3.4.4. Nếu đơn vị kinh doanh sử dụng nhà kho thì phải đảm bảo an toàn theo các quy định về nhà kho đã nêu tại Quy chuẩn này.

4. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

Việc thanh tra và xử lý vi phạm các qui định của Quy chuẩn này do thanh tra nhà nước về lao động thực hiện.

5. Tổ chức thực hiện

5.1. Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn này.

5.2. Các cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Quy chuẩn này.

5.3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm kịp thời phản ánh với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để xem xét giải quyết./.



PHỤ LỤC
 

Đính kèm

  • du thao quy chuan hoa chat - ngay 24-03-2015.doc
    164 KB · Lượt xem: 476

Grac đô thị không rác

Chủ đề mới

Thành viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
10,833
Bài viết
42,126
Thành viên
31,234
Thành viên mới nhất
khachmua