Sàn giao dịch phế liệu online
Mô hình kinh tế tuần hoàn

Since 2007

Dự thảo thông tư bảo vệ môi trường ngành Công Thương

Minh YMT

Admin
Tham gia
11/3/13
Bài viết
669
Cảm xúc
110
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
THÔNG TƯ Số: /2015/TT-BCT QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật;
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về bảo vệ môi trường ngành công thương như sau:


Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường trong các ngành, lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, bao gồm: cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí, xăng dầu, hóa chất, phân bón vô cơ, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác, lưu thông hàng hóa trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa và dịch vụ do Bộ Công Thương quản lý.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty thuộc Bộ Công Thương, các đơn vị thành viên và các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ngành công thương;

2. Các tổ chức, cá nhân khác có hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh một hoặc các ngành, lĩnh vực quy định tại Điều 1 của Thông tư này tại Việt Nam.

Chương 2
HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG

Điều 3. Thực hiện đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình lập chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công thương

1. Các cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (sau đây gọi là cơ quan chủ trì) có trách nhiệm tự lập hoặc thuê tổ chức tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

2. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp và các cơ quan có liên quan về nội dung chi tiết đề cương lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược trước khi trình Bộ Công Thương phê duyệt.

3. Đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp là cơ quan đầu mối tiếp nhận Hồ sơ, tổ chức Hội đồng thẩm định và báo cáo Bộ trưởng kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Trên cơ sở kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, Bộ trưởng ban hành quyết định phê duyệt các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực theo thẩm quyền.

4. Đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành công thương thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chủ trì gửi Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thẩm tra Hồ sơ báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo Lãnh đạo Bộ gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định theo quy định.

Điều 4. Bảo vệ môi trường trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, xây dựng và vận hành thử nghiệm dự án

1. Chủ dự án ngành công thương có trách nhiệm tự lập hoặc thuê tổ chức tự vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường trình cấp thẩm quyền thẩm định và phê duyệt trước khi quyết định phê duyệt dự án đầu tư. Trình tự, nội dung lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP.

2. Đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt đầu tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương, chủ dự án có trách nhiệm gửi hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường về Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp để tổ chức thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định (trừ các dự án quy định tại Phụ lục III Nghị định số 18/2015/NĐ-CP).

3. Trong quá trình xây dựng, vận hành thử nghiệm dự án, chủ dự án có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường được cấp thẩm quyền phê duyệt, xác nhận. Đối với các dự án thuộc đối tượng phải xin xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường quy định tại Phụ lục II Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, chủ dự án có trách nhiệm lập hồ sơ xin xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường trình có quan thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận trước khi đưa dự án vào hoạt động.

4. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có trách nhiệm chủ trì, tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và các yêu cầu tại Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Điều 5. Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ

1. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm:

a) Chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và lưu thông hàng hóa, thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường/kế hoạch bảo vệ môi trường/đề án bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Có biện pháp thu gom, phân loại, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Có biện pháp quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung do hoạt động của cơ sở gây ra không vượt quá giới hạn tối đa cho phép;

c) Bảo đảm nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

d) Chấp hành việc kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường; thực hiện việc nộp thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

đ) Tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường đối với người lao động làm việc tại cơ sở;

e) Lập kế hoạch, phương án, chuẩn bị cơ sở vật chất để ứng phó sự cố môi trường, khắc phục hậu quả do sự cố môi trường. Thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản khi xảy ra sự cố môi trường; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố để có biện pháp ứng phó phù hợp;

g) Xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường. Kế hoạch bảo vệ môi trường phải được phổ biến rộng rãi tới cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp và hàng năm có tổng kết kết quả thực hiện;

h) Cơ sở sản xuất hoặc kho tàng thuộc các trường hợp tại khoản 2 Điều 68 Luật Bảo vệ môi trường phải có khoảng cách bảo đảm không có tác động xấu đối với khu dân cư;

i) Niêm yết quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở theo quy định của pháp luật;

2. Các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty và các đơn vị thành viên có trách nhiệm:

a) Cử 01 cán bộ Lãnh đạo chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động bảo vệ môi trường; Thành lập bộ phận môi trường và bố trí cán bộ chuyên trách tham mưu giúp Lãnh đạo quản lý hoạt động bảo vệ môi trường;

b) Định kỳ kiểm tra việc tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường tại các đơn vị thuộc phạm vi quản lý;

3. Khuyến khích hoạt động về bảo vệ môi trường tại cơ sở bao gồm:

a) Hưởng ứng, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên địa bàn. Đóng góp nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương; thường xuyên cải tạo, củng cố, phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp;

b) Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện đạt tiêu chuẩn môi trường. Hạn chế việc sử dụng nhiên liệu, nguyên liệu, thiết bị, phương tiện thải khí độc hại ra môi trường;

c) Thực hành tiết kiệm điện, nước, nhiên liệu, chất đốt;

d) Thực hiện kiểm toán chất thải và các giải pháp giảm thiểu chất thải;

đ) Thực hiện tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải;

e) Thành lập, duy trì quỹ bảo vệ môi trường và hoạt động theo điều lệ của quỹ đúng với quy định hiện hành của pháp luật;

g) Thực hiện quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14.000;

Điều 6. Bảo vệ môi trường trong hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa và dịch vụ, nhập khẩu phế liệu

1. Tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam và các điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên về bảo vệ môi trường trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa và dịch vụ; nhập khẩu phế liệu;

2. Không nhập khẩu các loài máy móc, thiết bị, phương tiện không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hóa chất, hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu; Thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm.

3. Hàng năm, trước ngày 31 tháng 3 báo cáo công tác bảo vệ môi trường với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp về số lượng, tình hình nhập khẩu, sử dụng phế liệu và các vấn đề môi trường liên quan đến phế liệu nhập khẩu.

Điều 7. Bảo vệ môi trường trong hoạt động tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn kỹ thuật tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.

Điều 8. Bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản có trách nhiệm:

a) Tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường/kế hoạch bảo vệ môi trường/đề án bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Thực hiện chương trình quản lý và giám sát môi trường;

c) Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

d) Hạn chế tới mức thấp nhất những tác động làm ảnh hưởng hoặc đưa đến hậu quả xấu cho môi trường như ô nhiễm đất, nước, rừng, không khí, gây hại cho hệ thực vật và động vật, làm mất cân bằng sinh thái hoặc làm ảnh hưởng xấu tới môi trường dân sinh.

đ) Phải có kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường cho toàn bộ quá trình khai thác, chế biến khoáng sản và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình khai thác và chế biến khoáng sản;

e) Hàng năm, thực hiện thống kê nguồn thải, đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản thuộc phạm vi quản lý;

g) Chấp hành việc kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường; thực hiện việc nộp thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường và ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật;

2. Đối với các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản có công trình hồ chứa chất thải quặng đuôi, hàng năm phải lập và phê duyệt kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cho các hồ chứa chất thải thuộc phạm vi quản lý báo cáo Sở Công Thương để quản lý, giám sát.

3. Các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty thuộc Bộ Công Thương và các đơn vị thành viên phải báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp trước ngày 31 tháng 3 hàng năm.

4. Các Sở Công Thương chịu trách nhiệm thống kê nguồn thải, đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản thuộc địa bàn quản lý và gửi báo cáo về Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp trước ngày 31 tháng 3 hàng năm.

5. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có trách nhiệm thống kê nguồn thải, đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản ngành công thương và báo cáo tới các cơ quan có thẩm quyền.

Điều 9. Ứng phó sự cố môi trường

1. Các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp chủ động lập kế hoạch, phương án và chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật để ứng phó sự cố môi trường, khắc phục hậu quả do sự cố môi trường;

2. Trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường, trong thời gian 02 ngày doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo về sự cố môi trường và tình hình khắc phục tới Sở Công Thương, các Tập đoàn, Tổng Công ty để tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương.

3. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ các loại sự cố môi trường có thể xảy ra trong phạm vi cả nước, từng khu vực, địa phương;

b) Xây dựng năng lực và kế hoạch phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ và ứng phó sự cố môi trường ngành công thương;

c) Huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường ngành công thương trong trường hợp sự cố môi trường do thiên tai gây ra hoặc chưa xác định được nguyên nhân.

Điều 10. Giải quyết tranh chấp và xác định thiệt hại trong lĩnh vực môi trường

Trường hợp có tranh chấp về môi trường xảy ra mà một bên trong tranh chấp là Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ Công Thương hoặc các đơn vị thành viên, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chịu trách nhiệm phối hợp với các Sở Công Thương, các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty để giải quyết các tranh chấp và xác định thiệt hại về môi trường.

Điều 11. Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường

1. Định kỳ hàng năm, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có trách nhiệm xây dựng và phối hợp với các Sở Công Thương, các Tập đoàn, Tổng Công ty triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các đơn vị.

2. Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường thực hiện theo phương thức định kỳ và phải thông báo trước bằng văn bản trong thời hạn ít nhất 07 ngày làm việc tính từ thời điểm đơn vị nhận được thông báo.

3. Nội dung kiểm tra bao gồm việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và việc xây dựng, thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của đơn vị.

4. Trong trường hợp đột xuất, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ về việc giải quyết các vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và môi trường, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của các đơn vị và không cần thông báo trước bằng văn bản.

5. Khi phát hiện vi phạm, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất hình thức xử lý và phương án khắc phục vi phạm, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét quyết định, đồng thời kiểm tra và giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục.

Điều 12. Báo cáo công tác môi trường

1. Báo cáo công tác môi trường của doanh nghiệp

a) Báo cáo công tác môi trường được thực hiện định kỳ 01 lần/năm.

b) Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổng hợp báo cáo môi trường hàng năm của các doanh nghiệp ngành công thương thuộc địa bàn quản lý (theo mẫu quy định tại Phụ lục 1) gửi về Bộ Công Thương trước ngày 31 tháng 3 năm tiếp theo của năm báo cáo để tổng hợp, báo cáo các cơ quan liên quan theo quy định của pháp luật.

c) Các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ, đại diện phần vốn nhà nước của các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty tại các công ty cổ phần có trách nhiệm báo cáo công tác môi trường theo quy định tại Thông tư số 22/2013/TT-BCT ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định việc khai báo, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu môi trường ngành công thương.

d) Trong trường hợp đột xuất, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đề nghị các đơn vị báo cáo hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản.

2. Báo cáo môi trường ngành công thương

a) Hàng năm, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng báo cáo tình hình môi trường theo các chuyên đề đối với các lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương, báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên - môi trường và phát triển bền vững ngành công thương.

b) Định kỳ 5 năm một lần, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng báo cáo tổng hợp tình hình môi trường và báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên - môi trường và phát triển bền vững ngành công thương.


Chương 4

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI

TRONG VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 13. Trách nhiệm của doanh nghiệp

1. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định tại Thông tư này.

2. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

3. Chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vấn đề môi trường phát sinh thuộc phạm vi quản lý.

4. Chấp hành chế độ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, báo cáo về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

5. Phối hợp với cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương xử lý các vấn đề môi trường phát sinh do hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị gây ra.

6. Chủ động thực hiện các giải pháp phòng ngừa, hạn chế tác động tiêu cực đối với môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của đơn vị.

Điều 14. Quyền lợi của doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp có quyền đề nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi từ ngân hàng phát triển, Quỹ Bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư ngăn ngừa, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, khắc phục sự cố môi trường.

2. Được hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn trong quá trình thực hiện các dự án, chương trình giảm thiểu chất thải, tái chế, tái sử dụng; áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 14.000; áp dụng sản xuất sạch hơn; sản xuất và sử dụng sản phẩm được cấp nhãn sinh thái và sản phẩm thân thiện môi trường.

3. Tham gia các chương trình tập huấn, phổ biến các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, hỗ trợ nâng cao nhận thức về quản lý môi trường, các công cụ quản lý môi trường và các thông tin về bảo vệ môi trường.

4. Kiến nghị tới Bộ Công Thương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về chính sách bảo vệ môi trường mà doanh nghiệp phải thực thi.

5. Được quảng cáo miễn phí thương hiệu và sản phẩm thân thiện môi trường của doanh nghiệp trên trang Thông tin điện tử của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương.

Điều 15. Trách nhiệm của Tập đoàn, Tổng Công ty

1. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các đơn vị, cán bộ công nhân viên thuộc phạm vi quản lý.

2. Thành lập bộ phận chuyên môn bảo vệ môi trường và phân công cán bộ chuyên trách bảo vệ môi trường. Thông báo tới Bộ Công Thương thông tin về mạng lưới cán bộ chuyên trách bảo vệ môi trường của Tập đoàn, Tổng Công ty.

3. Chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vấn đề môi trường phát sinh thuộc phạm vi quản lý.

4. Xây dựng quy chế, quy định bảo vệ môi trường áp dụng cho Tập đoàn, Tổng Công ty.

5. Hướng dẫn các đơn vị thành viên xây dựng Báo cáo công tác môi trường theo quy định tại Thông tư này.

6. Phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp và các đơn vị liên quan thực hiện chế độ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường của các đơn vị theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

Điều 16. Trách nhiệm của Sở Công Thương

1. Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành công thương trên địa bàn.

2. Phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp và các đơn vị có liên quan kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường ngành công thương.

3. Tổng hợp và xây dựng báo cáo công tác môi trường ngành công thương tại địa phương gửi Bộ Công Thương theo quy định tại Thông tư này.

4. Thống kê các chỉ tiêu môi trường ngành công thương và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường ngành công thương.

5. Phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công thương áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

6. Triển khai thực hiện việc phát triển ngành công nghiệp môi trường tại địa phương theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.

7. Phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý môi trường của các cụm công nghiệp theo thẩm quyền.

Điều 17. Trách nhiệm của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp

1. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy chế bảo vệ môi trường, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án, đề án bảo vệ môi trường ngành công thương;

2. Tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn và hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường cho các Sở Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp ngành công thương.

3. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp ngành công thương;

4. Tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường;

5. Tham gia thẩm định và đánh giá các công nghệ xử lý và tái chế chất thải;

6. Thống kê các chỉ tiêu môi trường ngành công thương; Xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường ngành công thương; Xây dựng báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành công thương theo quy định của pháp luật;

7. Hướng dẫn công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục sự cố môi trường, phục hồi môi trường; Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với các chiến lược, quy hoạch ngành công thương;

8. Chủ trì, phối hợp với Vụ Thi đua khen thưởng tổ chức đánh giá, tổng kết công tác bảo vệ môi trường và khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường ngành công thương;

9. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các Sở Công Thương thực hiện phát triển ngành công nghiệp môi trường và triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn tại địa phương;

10. Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ngân sách cấp nhà nước và các nguồn vốn tài trợ của nước ngoài để thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

11. Hướng dẫn các Sở Công Thương xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường ngành công thương.

12. Giao Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty thuộc Bộ thực hiện các quy định của Thông tư này.

Điều 18. Khen thưởng trong công tác bảo vệ môi trường ngành công thương

Định kỳ 2 năm, Bộ Công Thương tổ chức đánh giá, tổng kết công tác bảo vệ môi trường và khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường ngành công thương.

Chương 6

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày tháng 11 năm 2015;

2. Quyết định số 52/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chế tạm thời về bảo vệ môi trường ngành Công Thương sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành;

3. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có trách nhiệm tổng hợp các khó khăn, vướng mắc báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương để xem xét, quyết định.


Nơi nhận:

- Văn phòng Tổng bí thư;

- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh/ thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp);

- Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc TW

- Các Lãnh đạo Bộ;

- Các đơn vị thuộc Bộ;

- Các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty Thuộc BCT;
- Website Chính phủ;
- Công báo;
- Website BCT;
- Lưu: VT, ATMT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
 

Grac đô thị không rác

Chủ đề mới

Thành viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
10,833
Bài viết
42,126
Thành viên
31,234
Thành viên mới nhất
khachmua