Sàn giao dịch phế liệu online
Mô hình kinh tế tuần hoàn

Yeumoitruong - Since 2007

GIAN NAN " ĐI TÌM " BỆNH NGHỀ NGHIỆP

TuyetLoan

Cây ăn trái
Tham gia
4/4/18
Bài viết
83
Cảm xúc
11
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
8416c1e599e8e558903c8e0329a765a3.jpg


Làm việc tại các mỏ đá, sản xuất vật liệu xây dựng, người lao động có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi silic rất cao.

Làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại, nhiều công nhân, người lao động (NLĐ) ở các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) Quảng Ngãi có nguy cơ bệnh nghề nghiệp (BNN) rất cao. Nhiều trường hợp NLĐ mắc BNN mòn mỏi chờ được hỗ trợ, hưởng các chính sách, chế độ. Hành trình để được nhận chế độ BNN của họ không ít gian nan, vất vả…

10 năm hồ sơ chưa giải quyết

Từ khi về hưu, ngày nào ông Nguyễn Ngọc Sinh ở phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi cũng phải uống thuốc, thăm khám điều trị bệnh phổi silic. Điều trị bệnh, ông vẫn không ngại so hành trình đi xác nhận BNN của mình.

Làm việc ở Đội khai thác đá của Công ty cổ phần Trường Giang từ năm 1990, qua nhiều vị trí công tác, ông thường xuyên tiếp xúc bụi đá. Năm 2007, ông phát hiện bị bệnh phổi và điếc hai tai. Theo kết quả giám định của Hội đồng giám định y khoa Quảng Ngãi, ông Sinh bị bệnh phổi nhiễm bụi silic nghề nghiệp, với tỷ lệ mất sức lao động 45%. Năm 2009, công ty thực hiện thủ tục để ông hưởng chế độ BNN. Thế nhưng, 10 năm qua hồ sơ BNN của ông không được giải quyết. Mòn mỏi chờ đợi, ông mong sẽ “tìm” được BNN của mình.

“Bên Bảo hiểm xã hội (BHXH) nói do công ty thiếu nợ bảo hiểm nên không giải quyết. Giờ nghỉ hưu rồi mà chưa được gì cả. Công ty cũ chuyển giao cho đơn vị mới nên đầu năm mình cũng gởi đơn, làm lại hồ sơ và vẫn chờ tiếp. Mong là lần này sẽ được giải quyết để hưởng chế độ BNN”, ông Sinh thở dài.

Cùng cảnh ngộ ông Sinh, hơn 10 năm qua anh Phạm Công Duy Hinh ở huyện Đức Phổ cũng lặn lội “đi tìm” BNN cho mình. Sau nhiều năm làm ở Công ty cổ phần đá Mỹ Trang, năm 2008 kết quả giám định anh mất sức lao động 41% vì bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp. Trong quá trình làm hồ sơ BNN, người thụ lý tại đơn vị điều trị bệnh, hồ sơ thất lạc. Gần 10 năm sau, khi bệnh trở nặng, anh tiếp tục làm hồ sơ BNN. Nhiều lần bổ sung các thủ tục, giấy tờ cho BHXH tỉnh, anh vẫn đang chờ đợi. “Đi lại nhiều lần rồi, cũng trông được giải quyết theo chính sách người bị BNN”, anh Hinh nói đầy vẻ ưu tư.

Thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm, nặng nhọc, công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nguy cơ mắc các BNN rất cao. Hầu hết, các trường hợp phát hiện BNN thường ở thể nặng, tỷ lệ mất sức lao động từ 40% đến 60%, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe cùng nhiều di chứng kéo dài. Nhiều trường hợp khi phát hiện bệnh cho đến khi hoàn tất thủ tục hồ sơ để được hưởng chế độ mất thời gian từ vài năm đến… hàng chục năm.

“Chúng tôi chờ đợi rất lâu. Từ khi mình còn làm cho đến khi về hưu vẫn chưa xong thủ tục. Bệnh phổi silic ngày một nặng, tôi phải đi khám, điều trị liên tục ở các bệnh viện”, ông Nguyễn Hữu Chúng ở phường Trương Quan Trọng, TP Quảng Ngãi chia sẻ.

Nhiều bất cập, người lao động chịu thiệt

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Ngãi, có gần 27.000 LĐ làm việc tại các KKT, KCN. Trong đó, gần 6.000 LĐ làm việc trong điều kiện nặng nhọc độc hại, nguy hiểm. Kỹ sư, công nhân các ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp nặng, cơ khí hóa chất… làm việc trong thời gian dài tiềm ẩm nguy cơ BNN, luôn hiện hữu nhóm bệnh da liễu, bụi phổi silic, tổn thương mắt - tai. Thế nhưng, hầu như việc quan tâm can thiệp, hỗ trợ phát hiện bệnh, thực hiện các thủ tục hồ sơ BNN cho NLĐ gặp nhiều khó khăn.

Sau khi có kết quả giám định sức khỏe, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi lập hồ sơ bệnh điếc nghề nghiệp cho ông Nguyễn Văn Chung và Ngô Văn Nam, công nhân vận hành máy Nhà máy Bánh kẹo Biscafun. Kiểm tra các giấy tờ thủ tục, BHXH tỉnh Quảng Ngãi trả lại hồ sơ, với lý do thời gian, vị trí công việc người bị BNN thay đổi liên tục, không đủ điều kiện phát sinh BNN theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, kết quả khảo sát môi trường LĐ không vượt ngưỡng quy định, vì vậy không đủ cơ sở giải quyết BNN.

“Chúng tôi làm hồ sơ, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ nhưng phía bảo hiểm cho rằng do công nhân điều chuyển nhiều vị trí, quan trắc môi trường làm việc đạt chuẩn nên không đủ cơ sở xác định BNN. Tiếng ồn nhà máy chúng tôi đạt mức cho phép nhưng họ làm nhiều năm tích tụ, ảnh hưởng sức khỏe thì cũng sẽ bị bệnh”, ông Nguyễn Đình Quế, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Đường Quảng Ngãi băn khoăn.

Khi thực hiện các thủ tục cho NLĐ hưởng các chế độ BNN, cơ quan, đơn vị tỉnh Quảng Ngãi gặp nhiều vướng mắc. Hầu hết, các chỉ số quan trắc môi trường của nhà máy xí nghiệp đều đạt mức cho phép. Vì vậy, khi NLĐ phát sinh BNN không được công nhận vì môi trường bảo đảm. Mâu thuẫn này khiến ngành chức năng lúng túng khi xác định BNN cho NLĐ. Hằng năm, hầu hết các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi chỉ khám sức khỏe định kỳ, không khám phân loại bệnh, phát hiện BNN theo quy định. Đồng thời, trong quá trình công tác, NLĐ đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, không đủ điều kiện làm việc liên tục trong môi trường phát sinh BNN. Thậm chí, doanh nghiệp nợ BHXH, NLĐ cũng không được giải quyết chế độ BNN. Những bất cập này khiến ngành chức năng, doanh nghiệp lúng túng, còn NLĐ chịu thiệt.

Bà Bùi Thu Hằng, Trưởng phòng Chế độ BHXH tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Hồ sơ đề nghị giải quyết BNN thiếu rất nhiều. Phần lớn là thiếu phần khám phát hiện BNN, số liệu hồ sơ mâu thuẫn thực tế. Dường như cả chủ cơ sở lẫn công nhân đều không quan tâm, đến khi có bệnh thì tìm cách hợp thức hóa hồ sơ. Hồ sơ đánh giá doanh nghiệp hằng năm mâu thuẫn với hồ sơ BNN của NLĐ. Chúng tôi cũng cố giải quyết linh động nhưng thực tế cũng rất khó cho BHXH”.

Có hàng chục nghìn nhà đầu tư, nhà máy, xí nghiệp hoạt động tại các KKT, KCN Quảng Ngãi nhưng phần lớn chủ cơ sở không chú trọng giải quyết quyền lợi cho NLĐ. Bản thân NLĐ cũng chưa nhận thức cao sức khỏe của mình. Khi phát hiện bệnh thường ở mức nặng, không đủ điều kiện giải quyết chế độ, chính sách. Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi, chỉ vài doanh nghiệp khám bệnh nghề nghiệp, với số lượng 2.000 - 2.200 LĐ mỗi năm.

Ông Lương Kim Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi thừa nhận, hằng năm Sở yêu cầu chủ sử dụng LĐ thực hiện khám sức khỏe, BNN cho NLĐ. Còn việc các đơn vị thực hiện thế nào thì cơ quan chủ quản không nắm được. Những kiến nghị của NLĐ, hồ sơ BNN, giải quyết chế độ cho NLĐ, Sở chưa nắm rõ, chưa sát cơ sở.

“Thực tế tình trạng mắc BNN nhiều nhưng mình chưa giải quyết hết cho NLĐ. Công tác kiểm tra, giám sát doanh nghiệp chưa chặt chẽ, không có chế tài nên khi họ không thực hiện quyền cho NLĐ mình cũng không xử phạt được”, ông Lương Kim Sơn phân trần.

Những bất cập, vướng mắc làm nản lòng NLĐ khi không được bảo vệ, hưởng các chính sách an sinh, nhân đạo từ các ngành chức năng. Nếu không được điều chỉnh, tháo gỡ thì hành trình gian nan “đi tìm” BNN của NLĐ sẽ khó đến hồi kết.

Tỉnh Quảng Ngãi có gần 6.000 LĐ làm việc trong điều kiện nặng nhọc độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ BNN. Thế nhưng, năm 2016, BHXH tỉnh Quảng Ngãi chỉ tiếp nhận một hồ sơ BNN; năm 2017 có 12 hồ sơ, trong đó có đến năm hồ sơ bị trả về, không được giải quyết vì nhiều nguyên nhân. Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng con số này quá ít, không phản ánh đúng thực tế tình trạng BNN hiện nay.




Nguồn: Thoinay/Nhandan
 

Grac đô thị không rác

Chủ đề mới

Thành viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
10,830
Bài viết
42,123
Thành viên
31,233
Thành viên mới nhất
khachmua