Sàn giao dịch phế liệu online
Mô hình kinh tế tuần hoàn

Since 2007

HỘI NGHỊ THIÊN TAI NĂM 2018

manhtuan

Cây công nghiệp
Tham gia
17/1/18
Bài viết
129
Cảm xúc
6
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
Hội nghị thiên tai năm 2018; Tái khởi động thí điểm xử lý rác thải sinh hoạt theo phương pháp 3R; Uống nước bị ô nhiễm, 10 người thiệt mạng; Giải cứu 10.000 con rùa vân tỏa ở Madagascar; Mô hình xanh; …là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong ngày.

Hội nghị thiên tai năm 2018

TTXVN đưa tin ngày 7/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức hội nghị trước mùa thiên tai năm 2018 và giới thiệu mô hình phối hợp lực lượng đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh. Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng, Thuỷ văn Trung ương: Năm 2018 dự báo có khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 4-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở khu vực phía Bắc Biển Đông vào đầu mùa mưa, dịch dần về phía Nam Biển Đông những tháng cuối năm 2018; khả năng thiên tai gây ảnh hưởng nhiều đến khu vực Trung Bộ. Năm 2018, nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ xuất hiện muộn, không kéo dài và gay gắt như năm 2017. Trong năm 2018 cũng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện lũ lớn ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

thien%20tai.jpg


Để chuẩn bị ứng phó với thiên tai năm 2018, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chuẩn bị nguồn lực dự phòng trong toàn hệ thống Chữ thập đỏ các cấp gồm tiền, hàng cứu trợ trị giá hơn 100 tỷ đồng. Tại hội nghị, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổng kết chương trình cứu trợ bão 12 (bão Damrey) năm 2017. Đây là một chương trình cứu trợ của Hội có sự hỗ trợ lớn từ các đối tác quốc tế. Chương trình có tổng kinh phí trên 82,2 tỷ đồng đã trợ giúp hơn 33.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk... Năm 2017, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tham gia phòng ngừa và ứng phó thảm họa với kinh phí là gần 240 tỷ đồng, trợ giúp hơn 578.400 lượt người.

Tái khởi động thí điểm xử lý rác thải sinh hoạt theo phương pháp 3R

Theo VTV, Chương trình xử lý rác thải sinh hoạt theo phương pháp 3R đã được tái khởi động tại TP.HCM, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Phương pháp 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) được Nhật Bản và nhiều quốc gia thực hiện từ lâu nhằm nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trên thực tế, chương trình này đã được thí điểm từ cách đây hơn 10 năm tại thành phố Hà Nội và một số địa phương, nhưng do thiếu đồng bộ trong các khâu nên chỉ được triển khai trong một thời gian ngắn. Hiện chương trình này đang được triển khai tại 6 tuyến đường và 1 khu dân cư với hơn 1.700 hộ dân tham gia. Đây là lần thứ 2 Công ty Môi trường đô thị TP.HCM thí điểm chương trình 3R. Lần đầu tiên được triển khai cách đây hơn 5 năm nhưng bị tạm dừng do đơn giá của thành phố cấp không đủ để tái chế.

Cũng như TP.HCM, một số đơn vị môi trường ở các địa phương khác như tỉnh Bình Dương cũng đang thí điểm chương trình này. Ngoài việc truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phân loại rác tại nguồn, các đơn vị này đang đẩy mạnh tái chế chất thải thành phân hữu cơ và một số sản phẩm, mang lại cả hai lợi ích về kinh tế và môi trường. Theo chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, khoảng 80% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc phải được thu gom và xử lý đảm bảo các yêu cầu về môi trường, trong đó đẩy mạnh việc xử lý tái chế rác thải thành phân hữu cơ vi sinh hoặc đốt rác để phát điện. Như vậy, việc triển khai phương pháp 3R đang được đặt ra cấp thiết bởi phần lớn rác hiện này vẫn được chôn lấp thủ công, vừa lãng phí quỹ đất, vừa gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để chương trình 3R được triển khai hiệu quả, cần có một cơ chế phối hợp linh hoạt.

Uống nước bị ô nhiễm, 10 người thiệt mạng

VTC đưa tin sự việc xảy ra tại tỉnh Kratie ở Campuchia, khiến 10 người thiệt mạng, 121 người khác phải nhập viện cấp cứu chống độc. Tờ Khmer Times dẫn lời ông Va Thorn, Tỉnh trưởng tỉnh Kratie, Campuchia, cho biết, sự việc xảy ra ở hai làng Sre Norn và Anloy tại xã Kantuot, quận Chet Borey. Theo ông này, có tất cả 10 người chết, 121 người khác bao gồm cả trẻ em, trong đó có 8 trường hợp ngộ độc nặng phải nhập viện cấp cứu. Theo ông Chhim Sokhim, Phó cảnh sát trưởng tỉnh Kratie: "Tất cả những người dân này đều có triệu chứng điển hình của việc ngộ độc như buồn nôn, chóng mặt, kiệt sức. Nguyên nhân của sự việc được cho là do người dân tỉnh này đã sử dụng phải nguồn nước bị ô nhiễm từ con kênh gần nhà.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trong nước của con kênh này có chứa thành phần của thuốc diệt cỏ. Mấy ngày gần đây, địa phương có mưa to, trước đó, người dân lại sử dụng thuốc để diệt cỏ, lấy đất trồng canh tác. Có thể do mưa lớn rửa trôi thuốc, khiến nó ngấm vào mạch nước ngầm, chảy ra kênh, người dân lại sử dụng nước ở kênh này để sinh hoạt, từ đó bị ngộ độc". Một người dân làng chia sẻ, nhiều năm nay, họ vẫn sử dụng nguồn nước từ con kênh đó nhưng chưa bao giờ gặp sự cố như trên. Hiện nay, chính quyền tỉnh Kratie ban hành lệnh cấm sử dụng nước từ con kênh nhiễm độc. Đồng thời, các đơn vị cung cấp nước sạch khác cũng được huy động để người dân có nguồn nước thay thế.

Giải cứu 10.000 con rùa vân tỏa ở Madagascar

Theo AP, các nhà bảo tồn sinh học ở Madagascar vừa giải cứu hơn 10.000 con rùa vân tỏa đang trong tình trạng nguy hiểm. Số rùa này đã bị nhốt vào một nơi chứa ngột ngạt và không có thức ăn lẫn nước uống trong nhiều ngày liền.

Bà Susie Bartlett, bác sĩ thú y thuộc Hội Bảo tồn động vật hoang dã của Sở thú Bronx, cho biết, các con rùa bị bệnh được tiêm thuốc để bù nước, bổ sung vitamin cũng như kháng sinh. Rùa vân tỏa bị săn bắt vì họa tiết ngôi sao độc đáo trên mai của chúng. Hiện nay, rùa vân tỏa đang nằm trong “danh sách đỏ” các loài động vật bị đe dọa của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.

Mô hình xanh

Theo thông tin trên Báo Nhân Dân, kể từ tháng 5, quần đảo Tre-mi-ti trở thành địa điểm đầu tiên của I-ta-li-a cấm mọi hình thức các vật dụng nhựa sử dụng một lần, vốn không thể tự phân hủy, đồng thời xử phạt nặng đối với người vi phạm quy định. Quần đảo Tre-mi-ti có số lượng nhựa trung bình dưới nước là 2,2 mẩu/m3 nước (phần lớn là loại nhựa được sử dụng trong bao bì và túi nhựa), cao hơn nhiều so với chỉ số 0,52 mẩu nhựa/m3 nước ở I-ta-li-a nói chung. Mức độ báo động về mật độ rác thải nhựa là yếu tố thúc đẩy quần đảo này đưa ra các điều luật nghiêm khắc nhằm ngăn chặn việc sử dụng hầu hết các loại nhựa trên đảo.

Trong nỗ lực mở rộng chiến dịch bảo vệ môi trường, đến năm 2020, việc sử dụng nhựa vi sinh sẽ bị cấm hoàn toàn ở đất nước hình chiếc ủng. Theo thống kê của các tổ chức môi trường, trên thế giới sản xuất ra gần 300 triệu tấn nhựa mỗi năm và một nửa trong số này là vật liệu nhựa sử dụng một lần. Hơn tám triệu tấn chất thải nhựa bị đổ vào các đại dương mỗi năm, “đầu độc” môi trường sống của các loài động, thực vật biển. Sau biến đổi khí hậu, đây là thách thức môi trường lớn thứ hai trên thế giới. “Mô hình xanh” nói trên của I-ta-li-a đang được một số nước châu Âu áp dụng, nhằm cứu hành tinh xanh trước khi quá muộn.

Các loại quả mọng có thể giúp ngăn ngừa ung thư

Ăn các loại quả mọng như việt quất, mâm xôi, dâu tây có thể giúp ngừa bệnh ung thư, theo nghiên cứu được công bố trên chuyên san Scientific Reports. Các nhà khoa học thuộc Đại học Eastern Finland, Phần Lan đã phát hiện những loại quả trên chứa chất chống ô xy hóa anthocyanin, giúp ức chế hoạt động của các loại gen gây ung thư, đồng thời tăng cường chức năng của những loại gen có tác dụng ngăn bệnh ung thư.

Theo các chuyên gia, phát hiện này có thể giúp mở ra hướng chế tạo loại thuốc ngừa ung thư trong tương lai từ các loại quả mọng. Ngoài ra ăn quả mâm xôi, việt quất, dâu tây còn góp phần cải thiện hệ tiêu hóa, giảm cân và ngừa các bệnh lão hóa.
 

Grac đô thị không rác

Chủ đề mới

Thành viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
10,833
Bài viết
42,126
Thành viên
31,234
Thành viên mới nhất
khachmua