Sàn giao dịch phế liệu online
Mô hình kinh tế tuần hoàn

Yeumoitruong - Since 2007

Lai Châu: Đào giếng khó hơn đào vàng

Phuc_DCTV

Cây công nghiệp
Tham gia
27/7/10
Bài viết
274
Cảm xúc
0
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
Đứng ngoài ngõ, nửa đùa nửa thật, chúng tôi hỏi 2 thanh niên lực lưỡng, mồ hôi nhễ nhại ở bản Tân Dương, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên (Lai Châu), đang hì hục, nhịp nhàng kéo từng xô đá từ dưới lòng đất lên chất đống góc vườn: "đào vàng à?". Trả lời chúng tôi là nụ cười nửa miệng: "Đào thứ quý hơn vàng"!? Tò mò, lại gần họ, chúng tôi vỡ lẽ ra, các thanh niên này đang đào giếng khơi. Hai thanh niên ở trên mặt đất có nhiệm vụ kéo đá lên qua cái ròng rọc tự chế và "canh gác" không cho hạt bụi, hòn sỏi rơi vào miệng hố để một thanh niên nữa ở dưới hố dùng dùng xẻng, cuốc cặm cụi đục, xúc đá tìm... mạch nước.
* Đào giếng khó hơn đào vàng
Tranh thủ thời gian giải lao, Sầm Văn Hòa, sinh năm 1990, một trong ba thanh niên của đội này kể, anh đang "đào giúp" nhà ông Hoàng Văn Đo. Mùa khô năm ngoái, ông Đo đã tự đào cái giếng này sâu 9,5m nhưng sang đến mùa khô năm nay giếng cạn sạch nước. Nhà ông Đo phải nhờ ba anh em Hòa "giúp" đào sâu tiếp xuống. Đội của Hòa sẽ được nhà ông Đo trả 900.000 đồng và bữa cơm trưa với mỗi mét sâu thêm. Từ năm ngoái đến nay, đội của Hòa đã đi "giúp" người trong bản và ngoài bản được 4 cái giếng rồi. Theo Hòa, "đào cái này còn khó hơn cả đào vàng ấy chứ". Đội của Hòa đã giúp nhà ông Đo đào giếng 3 ngày, mới chỉ đào sâu thêm được hơn 1m nhưng vẫn "chưa thấy nước đâu"... Ông Đo hơn 70 tuổi, người dân tộc Thái, không nói được thiếng phổ thông, đôi mắt đăm chiêu, thỉnh thoảng lại ra ngó xuống miệng hố, vẻ sốt ruột.
Ở đầu bản Tân Dương, ông Lò Văn So, hơn 60 tuổi, cũng đang cùng tâm trạng với ông Đo. Hơn 2 năm nay, với 10 khẩu, nhà ông So mỗi ngày dùng tiết kiệm lắm cũng phải có 4 can nước, mỗi can 20 kg để dùng nấu ăn, uống. Hằng ngày gia đình ông phải cắt cử nhau sang bản Bút (xã Trung Đồng), cách nhà gần 2km để xin nước về dùng. Khoảng gần một năm nay, ông không phải sang bản Bút xin nước nữa mà xin ngay nhà người quen cùng bản, có giếng nước dùng tạm. Mỗi tháng ông góp với nhà họ 10.000 đồng, gọi là... để trả tiền điện dùng cho máy bơm hút nước từ giếng lên.

Sang đến cuối năm 2012, mấy bố con ông So bàn nhau quyết định tự đào chung một cái giếng. Ông kể khi đào gặp "toàn đá thôi". Mà trước khi đào, ông cũng đã rất cẩn thận làm theo kinh nghiệm của nhiều già bản truyền lại. Đào một cái hố sâu chừng một gang tay, rộng nhỏ hơn chút rồi úp cái bát ăn cơm xuống đó lấp đi, để qua đêm, sáng sớm hôm sau lấy lên xem. Nếu trong lòng bát có nhiều giọt nước đọng bám lại thì đào... Ông So đã làm như vậy ở nhiều vị trí trong khoảnh đất nhà mình và cuối cùng chọn được một vị trí ưng ý trước cửa nhà, cạnh ngõ ra vào. Mấy bố con ông So đã hì hục đào suốt cả tuần, cái hố sâu chừng 6m thì nước trong lòng đất trào ra... Ông So đã mừng quýnh. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, đến cuối tháng 3 năm nay, giếng nhà ông So lâm vào tình trạng chung, giống nhiều giếng nước trong bản, khô rang.
Con trai ông So là Lò Văn Tỏ, trước đó vào đầu tháng 2 cũng đã quyết tâm làm giếng, nhưng không tự đào mà thuê thợ về làm. Cái giếng hoàn chỉnh nhà anh sâu 12m, làm trong cả tháng, có giá tròn 10 triệu đồng. Hiện tại giếng nhà anh ổn định khoảng gần 1m nước. Bây giờ hằng ngày ông So sang nhà con trai lấy nước về sinh hoạt. Ông vẫn tin giếng nhà ông đã đào trúng mạch nước. Cách đây gần một tuần, ông đã thuê thợ về tiếp tục đào sâu thêm. Thợ về xem xét tình hình phán gọn lỏn "triệu ba một mét, đồng ý thì làm"... Ông So trau mày, bặm môi... gật đầu! Ngày chúng tôi vào hỏi thăm, ông bảo "làm được 5 ngày rồi, mới được thêm một mét mốt thôi... chưa thấy nước đâu cả".

* Đào đến khi nào nước về mới thôi
Còn anh Lò Văn Bun, bản Tân Dương kể, đầu năm ngoái, gia đình anh cũng tự đào một cái giếng ngay đầu hồi nhà bên trái. Đào ròng rã gần một tuần, sâu chừng 5m rồi lại gặp ngay hòn đá tảng chắn ngang. Anh Bun đành bỏ dở "công trình", nhưng vẫn tận dụng làm... hố đựng rác. Tuy nhiên, cũng không thể dừng lại cái nung nấu phải có nước dùng, nên tháng 9/2012, anh Bun tiếp tục thuê thợ về đào ở bên đầu hồi nhà bên phải. May mắn thay, hố sâu chừng 6m thì nước ứa ra... Anh đã phải thanh toán công thợ 3.500.000 đồng và bữa ăn trưa trong vòng một tuần.
Chỉ "công trình" giếng tự đào từ trong Tết Nguyên đán 2013 đến nay, đã sâu hơn 10m nhưng chưa thấy nước, anh Hoàng Văn Lếch ở cuối bản Tân Dương ngán ngẩm nhưng vẫn quả quyết "mình còn đào đến khi nào nước về mới thôi". Được biết nhà anh Lếch có 5 khẩu. Anh Lếch hiện đang là giáo viên Trường Tiểu học Tát Xôm. Anh chỉ tranh thủ ngày cuối tuần được nghỉ, nhờ thêm anh em cùng đào giúp...
Anh Hoàng Văn Bun, Trưởng bản Tân Dương nghe tôi kể lại những chuyện ấy chỉ thở dài "cái khó khăn nhất của bản hơn 2 năm nay là nước sinh hoạt". Bản có 45 hộ với hơn 230 nhân khẩu thì đến nay đã có khoảng 25 cái giếng khơi. Cái nông nhất cũng tầm 3,5m, cái sâu nhất 14m. Có khi 2 - 3 gia đình rủ nhau làm chung một giếng. Từ mùa khô năm ngoái đến mùa khô năm nay người dân nơi đây đào nhiều nhất. Đến mùa khô này, hiện cả bản cũng chỉ còn 5 đến 6 cái giếng là còn chừng nửa mét nước, còn lại đều đã khô rong...
Bản Tân Dương toàn là người dân từ xã Tà Mít (huyện Than Uyên) và xã Thân Thuộc (huyện Tân Uyên) chuyển đến theo chương trình tái định cư Thủy điện Huổi Quảng - Bản Chát từ năm 2010. Khi đến bản mới tái định cư Tân Dương, người dân nơi đây cũng đã được hưởng nguồn nước sinh hoạt từ các bể chứa nước tại bản do chính quyền địa phương xây dựng. Nguồn nước này cách bản khoảng 3km. Đường ống dẫn nước về bản mới chỉ sử dụng được vài tháng đã bị trộm phá, lấy hết. Đến nay vẫn không được sửa lại, khiến hàng trăm người dân nơi đây hàng năm trời nay lao đao, nghĩ ra "trăm phương, nghìn cách" để có nước về.
Ngay nhà Trưởng bản Bun mùa khô năm khoái cũng đã phải thuê ba người thợ về đào quần quật một tuần, được một giếng khơi có đường kính 1,5m, sâu 9m với giá 9 triệu đồng. Giếng nhà Trưởng bản Bun hiện cũng đang phải gồng mình, gánh thêm nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của 5 - 6 hộ gần kề chưa có điều kiện đào giếng. Trên tường nhà bếp, cạnh giếng nhà Trưởng bản Bun ghi dòng chữ to "Sử dụng nước tiết kiệm". Trưởng bản Bun bảo, đã kiến nghị rất nhiều lần, cả bằng văn bản về vấn đề này với xã, với Ban tái định cư huyện và cả Đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Tân Uyên rồi nhưng "chẳng ăn thua". Người dân bản Tân Dương hơn hai năm nay đang loay hoay tìm đủ mọi cách để có nước ăn, nước uống...
Thiết nghĩ chính quyền địa phương các cấp tỉnh Lai Châu cần sớm quan tâm đến vấn đề này. Không chỉ hàng trăm người dân tái định cư bản Tân Dương đang lên cơn khát nước sinh hoạt tột đỉnh mà còn nhiều người dân ở nhiều vùng tái định cư khác như vùng thấp Sìn Hồ cũng đang đổ xô tự đào giếng khơi, tự đi tìm nguồn nước sinh hoạt... Đặc biệt các cơ quan chuyên môn tỉnh Lai Châu cần vào cuộc nghiên cứu để có sơ sở khuyến cáo bà con. Qua tìm hiểu của chúng tôi, người dân tái định cư tự đào giếng với những phương tiện rất thô sơ, không an toàn, không có căn cứ khoa khọc khi chọn vị trí đào và giá thành cũng rất cao.

Theo: monre.gov.vn
 

Grac đô thị không rác

Chủ đề mới

Thành viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
10,833
Bài viết
42,126
Thành viên
31,234
Thành viên mới nhất
khachmua