Sàn giao dịch phế liệu online
Mô hình kinh tế tuần hoàn

Yeumoitruong - Since 2007

Một loạt bài viết về "Ô nhiễm mùi"

vantuyenenv

Cây đầu làng
Tham gia
26/2/08
Bài viết
519
Cảm xúc
6
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
Bài 1: Khó thở vì mùi lạ​
090728p4aaa2.jpg

Chuồng bò gây mùi hôi khó chịu cho người dân ở KP 2, P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: M.Nam
Cùng với các loại ô nhiễm không khí, tiếng ồn... nhiều người dân TP.HCM đang phải sống trong nỗi bức bối đến cùng cực vì ảnh hưởng của các loại mùi bốc ra từ những nhà máy, cơ sở sản xuất, chăn nuôi... nằm xen kẽ giữa các khu dân cư, là mối đe dọa thường trực đến sức khỏe.

1.001 mùi hôi
Có mặt tại tổ 16, KP2, P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức, phải hít thở thứ không khí pha trộn với phân bò, chúng tôi đành phải vừa che mũi vừa nói chuyện. Chỉ tay về phía chuồng bò (đang có gần 10 con), ông Thân Văn Sơn, một người dân ở đây bức xúc: “Những ngày nắng nóng thì mùi hôi từ phân và nước tiểu bò bốc lên kinh khủng lắm. Người lạ như anh đứng đây một lúc sẽ chịu không nổi vì mùi hôi nồng nặc đó”. Ông Tô Minh Tụ, Phó ban điều hành KP2 nói: “Từ nhiều năm qua bà con gửi đơn phản ánh về việc ô nhiễm mùi hôi từ chuồng bò này, nhưng phường chuyển quận, quận chuyển thành phố rồi đến nay sự việc vẫn đâu vào đấy, người dân cứ phải cắn răng hít thở thứ không khí hôi thối ấy”.

Cùng chung sự bức xúc này là các hộ dân thuộc đường số 46, tổ dân phố 64, P.14, Q.Gò Vấp khi hằng ngày phải hít thở bầu không khí đặc quánh mùi hóa chất nồng gắt. Có mặt tại đây vào một buổi trưa đầu tháng 7, nhóm PV chúng tôi liên tục hắt hơi vì mùi lạ. Một số hộ dân ở đây phản ảnh nguyên nhân gây mùi khó chịu xuất phát từ một căn nhà nhiều tầng trong khu dân cư. Đó là Công ty Mebipha, chuyên sản xuất thức ăn gia súc, thuốc thú y và hóa chất. “Những lúc công ty vận chuyển hàng hóa là lúc các hộ dân phải tìm cách trốn đi đâu đó để tránh phải hít thở phải loại mùi khó chịu. Nhà tui phải lắp đặt máy lạnh cho một phòng, để những lúc nghe mùi khó chịu là đưa mấy đứa con vào đó trốn. Từ ngày công ty này về đây sản xuất, trẻ nhỏ và người già thỉnh thoảng lại nhập viện vì bệnh về đường hô hấp hoặc dị ứng. Có nhà không chịu nổi đành phải bán nhà chuyển đi nơi khác”, chị L. than thở.

Nhiều tháng nay các hộ dân ở hẻm 184, KP7, đường Âu Cơ, P.9, Q.Tân Bình cũng gửi đơn thư kêu cứu khắp nơi do bị mùi hôi của hóa chất hành hạ. Theo phản ảnh của người dân, cơ sở Hưng Long (43/1 Âu Cơ, P.9, Q.Tân Bình) chuyên sản xuất phụ liệu giày dép gây mùi hôi khó chịu từ hóa chất và quá trình sản xuất gây bụi đen bay đầy vào nhà dân, bám vào vật dụng, thậm chí cả thức ăn. Tương tự, hàng chục hộ dân sống tại tổ 7 - 8, thuộc ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn cũng kêu cứu vì cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơ sở tái chế ve chai gây ô nhiễm môi trường. Nước thải của hóa chất tẩy rửa bị đổ tràn ra đường gây hôi thối, rác thải từ nhiều nguồn tập kết về thành từng đống là nguyên nhân để ruồi, muỗi sinh sôi gây bệnh cho bà con.

090728p4aaa3.jpg
Người dân ở ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn bức xúc vì mùi hôi thối bốc ra từ Công ty Hưng Thái - Ảnh: M.Nam

Tháo chạy vì mùi thối
“Nhờ mấy chú xuống đây lên tiếng giúp 400 hộ dân, chứ tụi tui chịu hết xiết mùi hôi ở đây rồi!”, bà Đỗ Thị Nhân (ngụ 61/3 ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, TP.HCM) bức xúc nói với PV Thanh Niên qua điện thoại. Khi thấy PV, bà con kéo đến vây quanh “kể tội” thủ phạm gây mùi hôi là Công ty TNHH Huynh Đệ thuộc da Hưng Thái (gọi tắt là Công ty Hưng Thái, nằm trong KCN Vĩnh Lộc, Q.Bình Tân), cách khu dân cư một con rạch. Hơn ba giờ đồng hồ thị sát và cùng chịu đựng mùi hôi, chúng tôi phần nào thấu hiểu nỗi bức xúc của người dân. Chỉ một cơn gió thoảng qua, mùi hôi nồng tràn vào mũi cay xé. Các hộ dân cho biết, mùi hôi này làm trẻ em bị ho, sổ mũi, sốt cao, người già khó thở, một số người bị nổi mẩn ngứa... “Kinh khủng nhất vẫn là ban đêm, mùi hôi tanh nồng lúc này xộc lên khiến cả gia đình tui mất ngủ, dù cửa đã đóng kín, thậm chí mang cả... khẩu trang. Tội nghiệp nhất là mấy đứa nhỏ không ngủ được khóc quấy suốt đêm”, chị Bùi Thị Khôi bức xúc. Không chịu nổi, nhiều gia đình đã cho người già và con nhỏ đi sơ tán; một số thì thuê nhà ở các địa phương lân cận, như Q.12, Gò Vấp... để ở tạm, gia đình không có điều kiện thì gửi con cho bên nội, ngoại ở tận Q.8, Q.9...

Khủng khiếp hơn, rạng sáng 15.5, khoảng 300 người dân sống tại KP4, P.An Phú, Q.2, TP.HCM hoảng loạn sơ tán ra khỏi nhà trong đêm tối vì mùi hôi nồng nặc đến khó thở của khí amoniac (NH3) bị rò rỉ, lan tỏa từ nhà máy nước đá của Công ty TNHH nước đá tinh khiết tiệt trùng An Bình (số 512A xa lộ Hà Nội, Q.2). Nhiều người có triệu chứng cay mắt, nôn mửa, choáng... Người dân địa phương bức xúc cho biết chỉ trong vòng chưa đầy một tháng Nhà máy nước đá An Bình đã để rò rỉ khí amoniac đến 4 lần, làm hàng trăm người dân sống cạnh liên tiếp sơ tán trong đêm khuya để tránh bị nguy hiểm. Không những thế, tháng nào nơi đây cũng xảy ra rò rỉ khí amoniac xuất phát từ nhà máy trên. Người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị di dời nhà máy nước đá này ra khỏi khu dân cư nhưng chưa được giải quyết.

Năm 2004, UBND TP.HCM có quyết định không cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư tập trung đối với 17 ngành nghề, gồm hóa chất (tẩy rửa, thuốc nhuộm, sơn, sản xuất phân bón, sản xuất ắc-quy, pin, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất làm lạnh, phèn); ngành tái chế, mua bán chất phế thải (giấy, nhựa, kim loại, dầu nhớt cặn); ngành tẩy, nhuộm, hồ, in (trên các sản phẩm vải sợi, dệt, may, đan); ngành luyện cán cao su; ngành thuộc da; ngành xi mạ điện; ngành gia công cơ khí; ngành in, tráng bao bì kim loại; ngành sản xuất bột giấy; ngành vật liệu xây dựng, sản xuất gốm sứ, thủy tinh; ngành chế biến gỗ; ngành sản xuất thuốc lá; ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy trình công nghiệp; ngành giết mổ gia súc... Các doanh nghiệp thuộc 17 lĩnh vực nêu trên đang hoạt động trong khu dân cư tập trung phải thực hiện đúng kế hoạch di dời. Thế nhưng, từ đó đến nay việc di dời diễn ra một cách chậm chạp và nhiều doanh nghiệp, cơ sở mới vẫn ngang nhiên mọc lên trong khu dân cư, gây ô nhiễm...
Thanh niên​
 
Sửa lần cuối:

vantuyenenv

Cây đầu làng
Tham gia
26/2/08
Bài viết
519
Cảm xúc
6
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
Bài 2: Người dân chịu hết xiết !​

p4-5a184554302.jpg

Người dân ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn yêu cầu Công ty thuộc da Hưng Thái ở KCN Vĩnh Lộc xử lý dứt điểm mùi hôi thối - Ảnh: M.Nam
Chịu hết xiết do môi trường sống bị ô nhiễm, nhiều hộ dân tại các địa phương đã tự kéo đến gây áp lực buộc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chấm dứt việc thải mùi hôi thối vào khu dân cư...

Bỏ qua kết luận thanh tra
Sau khi bãi rác Trảng Dài (TP Biên Hòa) bị ghi vào danh sách những bãi rác gây ô nhiễm "đứng đầu" cả nước, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo thực hiện ngay việc xử lý, khống chế ô nhiễm từ rác, đồng thời tiến hành xây dựng bãi chôn rác hợp vệ sinh để giảm thiểu khí thải, mùi hôi... Thế nhưng, người dân P.Trảng Dài chưa kịp mừng thì Nhà máy xử lý rác Vũ Nhật Hồng (nay là Công ty CP Môi trường Đồng Xanh) mọc lên gây ô nhiễm còn nghiêm trọng hơn. "Nhà máy đi vào hoạt động tháng 4.2008, thì 2 tháng sau chúng tôi phải làm đơn kêu cứu vì mùi hôi nồng nặc bốc lên từ những đống rác đen ngòm chưa kịp xử lý. Rất nhiều người bị bệnh về đường hô hấp", ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân tổ 10, KP3, P.Trảng Dài bức xúc. Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã vào cuộc và kết luận: "Mùi hôi do quá trình phân hủy của rác tươi, toàn bộ dây chuyền xử lý đặt trong không gian hở, khu vực tập trung nước thải chưa được xử lý nên bốc mùi...".
Sau khi có kết luận thanh tra, tình trạng ô nhiễm vẫn không được xử lý dẫn đến việc người dân nhiều lần chặn xe, không cho chở rác vào nhà máy. Đỉnh điểm, từ tối 23 - 26.4, hơn 100 người đã bao vây, chặn trước cổng Công ty Đồng Xanh buộc các ngành chức năng phải vào cuộc...

Không chỉ Trảng Dài, tình trạng sống chung với ô nhiễm từ bãi rác cũng xảy ra ở nhiều khu dân cư khác ở Đồng Nai. Từ ngã ba Trị An đi vào khoảng 5 km, một bãi rác nằm trong vườn tràm bốc mùi hôi thối hết sức khó chịu. Một chị bán cà phê đầu đường kể: "Trời nắng cũng như mưa, nước rỉ rác bốc mùi kinh khủng. Ai đi ngang vùng này đều phải bịt mũi". Chạy thêm khoảng 1 km là một bãi rác khác đang tồn tại gần trường học Sông Mây. Theo Sở TN-MT Đồng Nai, tại xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom) có 2 bãi rác "lậu" do ông Nguyễn Tư Hiệp làm chủ, 1 bãi nằm trong khu vực trường học Sông Mây đang tồn trữ 10 tấn rác thải sinh hoạt và bãi rác khác nằm tại tổ 1 đang lưu trữ 20 tấn rác. Ngoài ra còn một bãi rác vừa mới phát hiện nằm giáp ranh với xã Tân An, đang chứa khoảng 100 tấn rác sinh hoạt. Còn theo ông Hoàng Văn Thống, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT Đồng Nai, ngoài 3 bãi rác trên, hiện còn tồn tại 5 bãi rác trong "quy hoạch" cũng đang gây ô nhiễm trầm trọng. "Tất cả những bãi rác này đang xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt, đều không đúng phương pháp nên đang gây ô nhiễm", ông Thống nói và cho biết, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã trình UBND tỉnh quy hoạch 6 dự án đầu tư xử lý rác sinh hoạt, nhưng đến nay vẫn chưa có nhà máy nào khởi động.

p4dgsdf-5a2.jpg

Người dân phản đối trước cổng Công ty men Maury La Ngà - ảnh: H.Tuấn

Dân đòi đóng cửa nhà máy
Nhiều năm nay, những hộ dân ở khu vực hẻm 78 Hoàng Văn Hợp, P.An Lạc A, Q.Bình Tân, TP.HCM đã có nhiều đơn thư gửi khắp các cấp chính quyền nhờ can thiệp. Theo đó, Cơ sở nhựa Ích Thành (địa chỉ 27, đường số 1 và 78/20 Hoàng Văn Hợp, P.An Lạc A, Q.Bình Tân) gây mùi hôi nồng nặc, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Sự việc kéo dài nhiều năm không được giải quyết rốt ráo, dẫn đến mâu thuẫn gay gắt giữa cơ sở và những người dân xung quanh. Một số người dân cho biết: "Đến nay cơ sở này đã xây tường bao quanh, mùi hôi tuy đã hạn chế so với trước nhưng vẫn còn. Vấn đề là những cơ sở như thế này cần phải di dời ra khỏi khu dân cư để bảo đảm cuộc sống cho người dân".

Căng thẳng hơn, là việc hàng trăm người dân tụ tập nhiều ngày trước cổng xưởng Kim Hưng (gia công gỗ) tại KP2, P.Phú Thọ, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương để phản đối tình trạng mùi sơn rất khó chịu từ xưởng bốc ra làm ảnh hưởng đến nhà dân xung quanh. Một người dân cho biết việc họ bị ảnh hưởng của mùi sơn, nhất là từ 18-20 giờ hằng ngày, đã diễn ra khoảng 5 năm nay. Họ đã nhiều lần gửi đơn tới P.Phú Thọ nhưng tình trạng trên chưa được giải quyết. Được biết, xưởng Kim Hưng hoạt động tại địa điểm trên đã được hơn 10 năm.

Tương tự, gần đây liên tục cả trăm người dân tụ tập trước cổng Công ty men thực phẩm Maury La Ngà để phản đối đơn vị này gây ô nhiễm trong thời gian dài khiến người dân phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc suốt từ sáng đến tối. Nhiều người dân còn treo cả biểu ngữ đòi đóng cửa nhà máy. Xung quanh nhà máy, người dân địa phương gọi là "xóm thối" do phải hứng chịu mùi hôi thối hàng chục năm qua, khiến nhiều người, nhất là trẻ em hay bị đau ốm. Ông Đinh Văn Kháng cho biết cùng vợ con đến lập nghiệp ở ấp 4, gần nhà máy, hơn 20 năm qua. Những năm đầu khi Công ty Maury VN xả chất thải gây ô nhiễm môi trường, gia đình ông cũng như hàng trăm người khác trong khu vực chẳng còn cách nào khác là phải đeo khẩu trang suốt ngày. Đến khi nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động, thì vợ và 4 người con ông Kháng buộc phải di tản đi nơi khác... Yêu cầu người dân đưa ra là hoặc doanh nghiệp phải triệt để khắc phục ô nhiễm, hoặc đóng cửa nhà máy.
Thanh Niên​
 

vantuyenenv

Cây đầu làng
Tham gia
26/2/08
Bài viết
519
Cảm xúc
6
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
Bài cuối: Loay hoay tìm cách xử lý​

p4-5a74751965.jpg

Người dân ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm nghi ngờ mùi hôi thối từ Công ty Hưng Thái đã khiến nhiều đồ dùng, vật dụng, trang sức bằng kim loại bị xỉn màu - Ảnh: Minh Nam​
Trong khi người dân bức xúc về tình trạng ô nhiễm mùi do các cơ sở sản xuất gây ra, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay trong việc xử lý.
“Địa phương không thể làm nổi”
Ngay sau khi nhận được những bức xúc của 400 hộ dân ở khu vực ô nhiễm mùi hôi nặng nề tại ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm (H.Hóc Môn, TP.HCM), Phòng Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) H.Hóc Môn đã tiến hành kiểm tra và xác định: Mùi hôi thối khó chịu phát sinh do hoạt động sản xuất của Công ty Huynh Đệ thuộc da Hưng Thái. Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng TN-MT H.Hóc Môn cho rằng “địa phương không thể làm nổi” mà cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng. Do vậy, huyện đã kiến nghị Sở TN-MT, Phòng Cảnh sát môi trường TP.HCM, Ban quản lý KCN Vĩnh Lộc, Q.Bình Tân và H.Bình Chánh hỗ trợ.

Thế nhưng, sau nhiều tháng, Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM mới yêu cầu Công ty Hưng Thái sử dụng thêm các chế phẩm sinh học, đẩy nhanh việc xây cao 2 bức tường giáp với khu dân cư, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất mùi hôi phát sinh ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Song biện pháp này vẫn chưa cho hiệu quả cao. Vì thế, từ 19.7, Công ty Hưng Thái phải tạm ngưng sản xuất. “Từ khi nhà máy ngưng hoạt động, chúng tôi đã hết nghe mùi hôi. Đã lâu lắm rồi, chúng tôi mới được hưởng không khí trong lành”, bà Đỗ Thị Nhân, ngụ ấp Tiền Lân nói.

Tình trạng “dân bảo ô nhiễm, cơ quan chức năng nói đạt chuẩn” cũng là một thực trạng đáng lo hiện nay. Như Cơ sở nhựa tái chế Ích Thành (P.An Lạc A, Q.Bình Tân), vốn bị người dân phản ánh nhiều lần về việc sản xuất nhựa phế liệu gây ô nhiễm mùi hôi, nhưng theo kết quả khảo sát đo đạc môi trường của Trung tâm Tư vấn và cấp giấy chứng nhận An toàn vệ sinh môi trường và Bảo vệ môi trường miền Nam, thì “chất lượng môi trường không khí xung quanh Cơ sở Ích Thành đạt tiêu chuẩn VN”. Sau đó, Thanh tra Sở TN-MT phối hợp với Viện Môi trường và tài nguyên quan trắc lấy mẫu khí thải đột xuất và kết quả cũng... “đều nằm trong giới hạn cho phép”!

Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Phó phòng TN-MT Q.Bình Tân, khẳng định không hề có chuyện tiêu cực để làm thay đổi kết quả khảo sát ô nhiễm môi trường như dư luận nghi ngờ. “Nếu người dân không đồng ý kết quả đo đạc các chỉ tiêu môi trường trên của cơ quan chức năng, thì có thể mời đơn vị có chức năng đo đạc lại (chi phí đo đạc sẽ do người dân chi trả). Việc đo đạc lại phải có sự chứng kiến của Phòng TN-MT quận, Ban điều hành khu phố, UBND phường và đại diện cơ sở vi phạm”, bà Oanh nói và cho biết: “Nếu kết quả đo đạc lại trái ngược với kết quả đo đạc ban đầu thì Phòng TN-MT sẽ xem xét, kiến nghị các cơ quan chức năng để có quyết định xử lý cuối cùng. Quan điểm của Q.Bình Tân là kiên quyết xử lý các đơn vị gây ô nhiễm môi trường”.

Khó xử lý vì... thiếu quy định?
Ông Trương Ngọc Quang, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai, nhìn nhận ảnh hưởng sức khỏe do mùi gây ra theo cảm quan là có thật, nhất là đối với người dân sống cạnh bãi rác, trại gà... Tuy nhiên, thực tế lâu nay chưa có “chuẩn” ô nhiễm về mùi để xử lý. “Những chất gây ô nhiễm có thể quan trắc phát hiện và khắc phục, xử lý được, còn mùi thì không. Mùi này có thể phát ra từ chất gây ô nhiễm, hoặc lan ra trong không khí, nhưng để xác định từ chất gì tạo ra thì lại rất khó... Việc xử lý về ô nhiễm mùi hiện nay chưa có quy định. Tổng cục Môi trường cũng biết bức xúc này nên đang xây dựng”, ông Quang nói.

Một số cán bộ ở TP.HCM cũng thừa nhận việc xử lý cơ sở gây ô nhiễm mùi trong khu dân cư khó khăn là do thiếu hành lang pháp lý cụ thể, thiếu trang thiết bị đo đạc, nhân lực chuyên môn, xác định ô nhiễm... nên hiệu quả thường không như mong muốn. Thực tế, rất nhiều vụ việc khi người dân phản ánh, gửi đơn tới chính quyền... chỉ nhận được lời hứa “sẽ xử lý”. Như vụ chuồng bò gây ô nhiễm tại khu phố 2, P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức, khi PV chuyển bức xúc của người dân tới UBND phường thì bà Nguyễn Thị Bích Loan, Phó chủ tịch UBND phường cho biết sẽ kiểm tra, xử lý và sẽ sớm thông báo kết quả cho dân biết. Tương tự, ông Mai Văn Nguyên, Chánh văn phòng UBND Q.2, cho biết sau khi xảy ra vụ rò rỉ khí amoniac tại nhà máy sản xuất nước đá, Công an Q.2, UBND và Công an P.An Phú đã tới hiện trường lập biên bản đình chỉ hoạt động của nhà máy, và “tới đây, UBND Q.2 sẽ kiên quyết di dời Nhà máy nước đá An Bình ra khỏi khu dân cư để đảm bảo sức khỏe cho người dân”.

Tiếp xúc với chúng tôi, tất cả những người dân ở những khu vực phải gánh chịu ô nhiễm đều cùng một quan điểm: Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm không thể nằm cùng chung khu dân cư. Chính quyền cần xây dựng những quy định cụ thể đưa các đơn vị sản xuất tập trung vào những khu quy hoạch cụ thể, có hệ thống xử lý ô nhiễm, chất thải.

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Sở TN-MT, UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể kiến nghị đình chỉ, đóng cửa hoạt động hoặc truy tố trước pháp luật. Ban Quản lý các KCX-KCN TP chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các KCN.

Theo Phòng TN-MT Q.Bình Tân, tính đến nay đã có gần 60 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn quận bị cưỡng chế, buộc đóng cửa, do gây ô nhiễm môi trường. Đa số các cơ sở hoạt động với các ngành nghề gây ô nhiễm, được dời từ các quận trong nội thành ra và hầu hết hoạt động không phép.

Thanh Niên​
 
L

Luong Cong Gia Hoang

Guest
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
hừ , bọn chính quyền vô trách nhiệm , chắc chắn chúng đã bị đút lót cả rồi , cái gì mà đạt tiêu chuẩn Việt Nam chứ , rồi còn nói người dân muốn kiểm chứng thì nhờ một bộ phận khác đến kiểm tra , tiền tự chi trả , rồi phải có người của chính quyền đứng kiểm tra quy trình . Tất cả đều nằm trong kế hoạch của bọn chính quyền , người dân kiến thức hạn hẹp , tiền tài thì ko có thì làm sao có thể đi kiểm chứng này nọ chứ , còn cái người được chính quyền cử xuống giám sát làm cái gì vậy , để kiệp thời thay đổi kết quả thật à. Nực cười , tiền làm cho chúng tối mắt rồi .
Còn đâu cái chuyện XH công bằng dân chủ văn minh chứ , ở đâu ra cái chuyện đảng của dân do dân và vì dân chứ.
 

gamyst

Cỏ 3 lá
Tham gia
13/12/08
Bài viết
50
Cảm xúc
1
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
vấn đề Lương Công gia Hoàng đề cập không chỉ có ở việt nam đâu, nhưng tùy mức độ mỗi nước ít hay nhiều thôi, vấn đề là nước ta thiếu nhưng người có trình độ, những cán bộ đầu ngành năng lực còn yếu kém mới gây ra nhưng bức xúc cho nhân dân, lương tâm nghề nghiệp cũng là 1 vấn đề lớn
 
G

green_land

Guest
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
vấn đề Lương Công gia Hoàng đề cập không chỉ có ở việt nam đâu, nhưng tùy mức độ mỗi nước ít hay nhiều thôi, vấn đề là nước ta thiếu nhưng người có trình độ, những cán bộ đầu ngành năng lực còn yếu kém mới gây ra nhưng bức xúc cho nhân dân, lương tâm nghề nghiệp cũng là 1 vấn đề lớn
Đúng là vấn đề này ko chỉ xảy ra ở nước VN , nhưng theo anh gamyst là nước ta là do nước ta ko có cán bộ có năng lực nên gây ra bức xúc cho người dân . Vậy thì tại sao lại để cho những người ko có đủ năng lực đi làm những việc quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và môi trường như thế , dù thiếu cán bộ nhưng giải quyết như thế là ko được.
 

Grac đô thị không rác

Chủ đề mới

Thành viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
10,833
Bài viết
42,126
Thành viên
31,234
Thành viên mới nhất
khachmua