An toàn hóa chất |
an toàn lao động |
Sự cố tràn dầu |
Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
Ngày hội tái chế!
Mỗi ngày, TP. Hồ Chí Minh thải ra gần 8.000 tấn rác thải. Trong đó, phần lớn lượng rác này sử dụng phương pháp chôn lấp thông thường: vừa tốn diện tích đất chôn lấp, vừa gây ô nhiễm môi trường, lại không thể tái sử dụng được. Vì vậy, đã đến lúc phải hạn chế phương pháp chôn lấp thông thường, đẩy mạnh phân loại, tái chế rác nhằm tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Là một trong những hoạt động chính của ngành tài nguyên - môi trường, trong năm 2008, lần đầu tiên TP. Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội Tái chế cấp thành phố. Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Lê Văn Khoa - Giám đốc Quỹ Tái chế (Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh) về kế hoạch tổ chức Ngày hội Tái chế này.
Xin Tiến sĩ cho biết mục tiêu của ngày Hội Tái chế?
Với khẩu hiệu "Tái chế hôm nay, bền vững ngày mai" và "Tái chế cho môi trường tốt hơn", Ngày hội Tái chế được tổ chức lần đầu tiên này nhằm mục đích gia tăng mối quan tâm và nâng cao nhận thức cộng đồng về hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải (3R). Từ đó sẽ góp phần giảm thiểu chất thải, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; đẩy mạnh vệ sinh môi trường tại gia đình, công sở, trường học, nơi công cộng và trong các nhà máy xí nghiệp trên cơ sở thông qua các hoạt động thiết thực và phù hợp với điều kiện tại địa phương. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn, qua Ngày hội tái chế thiết lập và nâng cao sự phối hợp bảo vệ môi trường giữa chính quyền, cộng đồng dân cư...
Xin Tiến sĩ cho biết công tác chuẩn bị tổ chức Ngày hội Tái chế được triển khai như thế nào?
Ngày hội Tái chế là một sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường TP. Hồ Chí Minh năm 2008. Công tác tổ chức được triển khai trong 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ tháng 1 đến tháng 4) chuẩn bị và xây dựng các hoạt động; giai đoạn 2 (ngày 20/4) là ngày diễn ra Ngày hội Tái chế chất thải TP.HCM ; giai đoạn 3 (tháng 4 - đến 5/6) tổng kết rút kinh nghiệm. Trong đó, giai đoạn chuẩn bị đã được chúng tôi thực hiện nghiêm túc và kỹ lưỡng với nhiều hoạt động rầm rộ nhằm tạo mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng về Ngày hội tái chế và công tác tái chế rác thải hiện nay. Việc phát động mối quan tâm trong cộng đồng thông qua nhiều hình thức như: quảng cáo, sử dụng các phương tiện truyền thông như taxi, xe bus, truyền hình, báo chí..; gây chú ý cho cộng đồng bằng các poster, phướn, băng rôn, các biển quảng cáo, tờ rơi, trên các trang website...; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi thiết kế mô hình sử dụng vật liệu tái chế và các sản phẩm có chất lượng cao sẽ được trưng bày trong ngày hội; Liên kết với Đoàn thanh niên phát động các hoạt động về 3R và bảo vệ môi trường và thu gom chất thải rắn nguy hại tại 6 quận: 1,6,8,Bình Thạnh và huyện Hóc Môn từ ngày 10 - 20/4; phát động cuộc thi thiết kế thời trang sử dụng vật liệu tái chế và thi vẽ giữa các trường đại học của TP.Hồ Chí Minh; phát động cuộc thi thiết kế logo cho Ngày hội tái chế đến tất cả người dân, đặc biệt là các sinh viên ngành mỹ thuật ...
Những hoạt động chính nào sẽ diễn ra trong Ngày hội tái chế?
Ngày hội Tái chế sẽ diễn ra cả ngày 20/4 tại Công viên Lê Văn Tám với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Tại đây sẽ diễn ra nhiều hoạt động triển lãm, gồm các bảng hiệu và cách thức sử dụng thích hợp đối với các thùng tái chế, cách thức phân loại rác tại nguồn; các dự án thử nghiệm và tái chế bao bì thùng carton, vỏ chai..; các danh mục về các chất thải cần được phân loại, tái chế..; chiếu phim về vấn nạn rác bao nylon tại Việt Nam và một số nước trên thế giới; thu thập ý kiến các sản phẩm và thông tin về các hoạt động ngày tái chế; thông tin về các hoạt động ngày tái chế của các nước trên thế giới. Nội dung thứ hai là hoạt động thu gom các chất thải nguy hại (pin, ắc quy, bình đựng hóa chất, bóng đèn hư cũ...) do người dân mang đến, đặc biệt người dân có thể đổi chất thải lấy quà tặng. Tại Ngày hội Tái chế cũng diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ phong phú: biểu diễn sân khấu ca nhạc, kịch về phân loại, tái chế rác. Ngoài ra, tại Ngày hội cũng diễn ra nhiều hoạt động phong phú khác như: Trò chơi cho mọi lứa tuổi; tặng quà cho khách đến tham quan; gặp gỡ các nhân vật nổi tiếng ( ca sĩ, nghệ sĩ...); tổ chức các quầy hàng thực phẩm (có sử dụng các bao bì là các vật liệu tái chế)...
Nhìn chung, những hoạt động diễn ra trong Ngày hội Tái chế sẽ mang tính quần chúng, dễ hiểu, dễ thực hiện nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ đó, định hướng cho người dân những cách thức, phương pháp đúng đắn trong sinh hoạt cũng như việc phân loại, thu gom rác thải hàng ngày tại gia đình và khu dân cư. Sau ngày hội, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các thông điệp để nâng cao mối quan tâm của cộng đồng về hoạt động tái chế trên các phương tiện thông tin truyền thông...
Thưa Tiến sĩ, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền cho người dân về phân loại, thu gom, tái chế rác được thực hiện như thế nào?
Như chúng ta đã biết, rác, nói một cách đơn giản là những thứ chúng ta vứt bỏ mà có thể gây hại cho môi trường. Cách mà chúng ta ứng xử với rác ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường: không khí, nước, đất, cây cỏ... Chúng ta ai cũng cần một môi trường trong lành để sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Bằng các hình thức tuyên truyền phong phú, chúng tôi giúp cho người dân nhận thức rằng chính chúng ta tạo ra rác, vì vậy điều quan trong là làm thế nào để rác không gây hại đến môi trường, đến sức khỏe của chúng ta. Các biện pháp này rất đơn giản, dễ thực hiện và còn có thể rất thú vị. Tiết kiệm: tiêu dùng một cách tiết kiệm, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, sử dụng ít hơn thông thường để giảm lượng rác phát sinh. Chỉ mua những thứ cần dùng và dùng hết những thứ đã mua. Tái sử dụng: đối với một số vật dụng, chúng ta có thể tái sử dụng (sử dụng lại nhiều lần) hoặc cho người khác để sử dụng thay vì vứt đi... Tái chế: thay vì vứt bỏ nhiều đồ vật đã sử dụng nếu được thu gom và đem đến các cơ sở tái chế, chúng có thể được tái sản xuất thành các sản phẩm mới cùng loại hay khác loại. Không chỉ hạn chế rác thải, việc tạo ra các sản phẩm mới từ tái chế tốn ít năng lượng và tài nguyên hơn sản xuất từ vật liệu mới.
Xin cảm ơn Tiến sĩ!