Sàn giao dịch phế liệu online
Mô hình kinh tế tuần hoàn

Since 2007

Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC, KHÁT PHÙ SA: NHỮNG VẤN ĐỀ BÁO ĐỘNG Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

manhtuan

Cây công nghiệp
Tham gia
17/1/18
Bài viết
129
Cảm xúc
6
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
Theo các nhà khoa học, đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nơi có lượng nước ngọt dồi dào nhất hành tinh. Hàng năm, vùng này nhận được 475 tỷ mét khối nước từ sông Mê Kông, chỉ riêng lượng mưa tại chỗ đã có 26 tỷ mét khối nước nên sẽ không bao giờ thiếu nước ngọt, không bị sa mạc hóa như các nơi khác trên thế giới.

Tuy nhiên, chất lượng nước ngọt trên tầng mặt trong vùng hiện nay rất thấp và ô nhiễm nguồn nước, khát phù sa là những vấn đề rất đáng báo động cho sự phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.



Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập, nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm hiện nay là do sông ngòi trong vùng đã nhận nhiều nguồn ô nhiễm, từ nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, thủy sản xả trực tiếp ra sông. Đặc biệt, nhiều năm qua, các địa phương trong vùng đều chạy theo việc tối đa hóa sản lượng lương thực, sản xuất 3 vụ lúa/năm phục vụ an ninh lương thực và xuất khẩu đã làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Với sản lượng lúa khoảng 25 triệu tấn/năm, hàng năm, sông ngòi, đồng ruộng trong vùng phải hứng chịu hàng triệu tấn phân bón, thuốc trừ sâu/năm dẫn đến ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước trầm trọng.

Mặt khác, việc đắp đê ngăn sông để thực hiện các dự án ngọt hóa ưu tiên cho cây lúa, rau màu và cây ăn trái làm cho nhiều con sông không chảy và trở thành những dòng sông "chết" cũng là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Thực tế, vấn đề ô nhiễm nguồn nước trên sông ngòi diễn ra ngày càng nghiêm trọng gần đây làm cho người dân không dám sử dụng nước sông để bơi lội, sinh hoạt như trước đây. Phần lớn người dân sử dụng nước ngầm ngay trong vùng trũng của nước ngọt. Ngay cả các dự án cấp nước ở các vùng nông thôn cũng sử dụngnguồn nước ngầm cấp cho dân.

Theo thống kê của Cục Quản lý Tài nguyên nước, toàn vùng hiện có khoảng 2 triệu giếng khoan, trong đó có 550.000 giếng khoan khai thác tập trung, khai thác khoảng 2 triệu mét khối nước/ngày. Việc sử dụng nguồn nước ngầm quá nhiều sẽ làm cạn kiệt nguồn nước ngầm nhanh dẫn đến sụt lún đất. Theo kết quả nghiên cứu của một tổ chức tại Na Uy cho thấy ở Cà Mau trong 20 năm gần đây nhiều nơi bị sụt lún từ 30 - 70cm; các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng bị lún từ 5 - 10cm/10 năm, các địa phương còn lại trong vùng bị lún từ 0 - 5 cm/10 năm.

Ngoài ra, nguồn nước ngọt trong vùng còn bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là từ mùa khô năm 2015 và năm 2016 do ảnh hưởng của hiện tượng El Ninô dẫn đến lượng mưa thấp kỷ lục trong khu vực làm cho các dòng sông thiếu nước, gây hạn mặn nghiêm trọng trong lịch sử trong suốt 90 năm qua.

Từ hiện tượng khô hạn của năm 2016, có ý kiến cho rằng đồng bằng sông Cửu Long sẽ hết nước nhưng theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện là không đúng. Sự việc khô hạn và xâm nhập mặn năm 2016 là một hiện tượng cực đoan trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu. Nó có thể lặp lại nhiều hơn, với tần suất cao hơn nhưng không phải trở thành xu hướng chung để kết luận trong tương lai. Bằng chứng là đầu năm 2017 không có hạn mặn xảy ra; đến gần cuối năm, nước lũ từ thượng nguồn đổ về rất lớn và chắc chắn rằng mùa khô 2018 sẽ không có hạn mặn như năm 2016 nữa.

Một quan điểm khác nữa cho rằng việc xây dựng các đập thủy điện hiện nay trên thượng nguồn đã lấy hết nước của vùng hạ lưu sông Mê Kông như vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng thực tế không phải thế. Tác động lớn nhất của thủy điện là lấy hết phù sa, cát và thủy sản, còn về lượng nước ngọt, trong các năm bình thường thì thủy điện không gây ảnh hưởng đến lượng nước ở hạ nguồn nhưng trong những năm khô hạn, thủy điện có thể tích nước làm cho tình hình khô hạn càng tồi tệ thêm. Còn những năm lũ cao, thủy điện cũng làm cho lũ tồi tệ thêm bằng hình thức thủy điện xả lũ, làm cho "lũ chồng lũ" ở vùng hạ nguồn.

Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành từ lượng phù sa và cát từ thượng nguồn bồi đắp, nên khi thiếu phù sa sẻ ảnh hưởng đến độ màu mở của đất đai và thiếu cát sẽ dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển. Phù sa cũng có vai trò bồi đắp để bù lún và bồi đắp để lấn đất ra biển. Trong 6.000 năm qua, lượng phù sa giúp bồi đắp cho đồng bằng theo hướng Đông bình quân là 16 mét/năm và theo hướng Mũi Cà Mau là 26 mét/năm nên mới có hình hài Đồng bằng sông Cửu Long như ngày hôm nay. Khi cắt nguồn cung cấp phù sa thì quá trình bồi đắp lấn ra biển sẽ ngưng và ngược lại, tình hình sạt lở bờ sông bở biển sẽ diễn ra ngày càng tăng.

Qua kết quả nghiên cứu của Na Uy cho thấy trong 20 năm qua, bờ biển tại Cà Mau bị thụt lùi vào trong đất liền từ 100 mét đến 1,4 km. Mặt khác, lượng phù sa mịn khi đổ ra biển sẽ hòa vào nước biển có màu đục cách bờ vài chục km bao quanh vùng biển dọc bờ biển Đông và biển Tây. Đây là lớp "áo giáp" bảo vệ cho vùng đồng bằng sông Cửu Long khỏi năng lượng của sóng biển đánh vào bờ để tránh sạt lở và đây cũng là nguồn thức ăn cho các loại thủy sản nước lợ. Trong khoảng 160 triệu tấn phù sa của sông Mê Kông tải về mỗi năm thì có tới 100 triệu tấn đổ ra biển, trong đó có khoảng 16.000 tấn dinh dưỡng tạo ra nguồn thức ăn thủy sản, phục vụ công tác khai thác, đánh bắt từ 50.000 đến 70.000 tấn thủy sản nước lợ/năm, giúp phát triển kinh tế cho ngư dân vùng ven biển...

Do đó, việc các quốc gia ở thượng nguồn xây nhiều đập thủy điện, tích nước ở thượng nguồn sẽ làm vùng đồng bằng sông Cửu Long khát phù sa, thủy sản, gây ra hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế của người dân.

Trong hoàn cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn chế như hiện nay, theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chúng ta cần tăng cường ưu tiên thực hiện các giải pháp "không hối tiếc", như các giải pháp phi công trình, các giải pháp "thuận Thiên" như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về "Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu" diễn ra ngày 27/9/2017 vừa qua tại thành phố Cần Thơ. Còn đối với các giải pháp công trình gây "hối tiếc cao", đầu tư tốn kém thì cần thận trọng, nghiên cứu thật kỹ. Đối với vùng sông nước chằng chịt như ở Đồng bằng sông Cửu Long, việc can thiệp vào dòng chảy, xây đập, ngăn sông... được xem là can thiệp thô bạo nhất cần phải tránh tối đa.
 

Grac đô thị không rác

Chủ đề mới

Thành viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
10,833
Bài viết
42,126
Thành viên
31,234
Thành viên mới nhất
khachmua