Sàn giao dịch phế liệu online
Mô hình kinh tế tuần hoàn

Yeumoitruong - Since 2007

Quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức mới của Tổng cục Môi trường

phuongthao123

Cây công nghiệp
Tham gia
17/7/17
Bài viết
208
Cảm xúc
11
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
QD15.2018.QD-TTg.png

Ngày 12/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 15/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Vị trí và chức năng
Tổng cục Môi trường là tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học trong phạm vi cả nước; quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục Môi trường
Theo Quyết định, Tổng cục Môi trường có nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ; dự thảo chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; cơ chế, chính sách và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm, chương trình, đề án, dự án liên tỉnh, vùng và quốc gia về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; báo cáo về môi trường; báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo quy định, …
Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; hỗ trợ pháp lý về bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp theo quy định pháp luật, …
Về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường, Tổng cục Môi trường có nhiệm vụ tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; tổ chức thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật; đề xuất việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phát sinh chưa được quy định trong danh mục các dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường,…
Đối với công tác kiểm soát nguồn ô nhiễm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, Tổng cục Môi trường có nhiệm vụ hướng dẫn việc kiểm soát nguồn ô nhiễm trong quá trình thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; hướng dẫn việc kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bao gồm cả khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, hướng dẫn, kiểm tra công tác lập danh mục, việc xử lý triệt để, xác nhận việc hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; lập, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường danh mục các chế phẩm sinh học sử dụng trong phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và xử lý chất thải, danh mục chế phẩm sinh học gây ô nhiễm môi trường bị cấm nhập khẩu, danh mục phế liệu được phép nhập khẩu thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật, …
Về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại, Tổng cục Môi trường có nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường danh mục chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra việc đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; hoạt động quản lý chất thải nguy hại trên phạm vi cả nước; hướng dẫn, kiểm tra công tác thu hồi, xử lý các sản phẩm thải bỏ, tiêu hủy xe ô tô, xe gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, …
Với công tác quản lý và cải thiện chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường đất, nước, không khí, ô nhiễm xuyên biên giới, mưa axit theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác giám sát diễn biến chất lượng môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn ô nhiễm, có nguồn thải lớn, lưu vực sông, biển đảo, đô thị, nông thôn, khu dân cư, khu vực công cộng theo quy định của pháp luật, …
Về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, tổng hợp tình hình và tổ chức thực hiện điều tra cơ bản, kiểm kê, quan trắc, đánh giá về các hệ sinh thái tự nhiên, các loài động vật, thực vật hoang dã, các nguồn gen quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; lập trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước; hướng dẫn, kiểm tra công tác lập, thẩm định quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,…
Trong lĩnh vực quan trắc, quản lý số liệu quan trắc và lập báo cáo hiện trạng môi trường, Tổng cục Môi trường có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng môi trường quốc gia, chương trình quan trắc tác động môi trường, chương trình quan trắc môi trường vùng, liên tỉnh, xuyên quốc gia; tổ chức xây dựng hệ thống quan trắc môi trường theo quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi và tổng hợp công tác xây dựng hệ thống quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước, …
Về quản lý thông tin, dữ liệu môi trường và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, Tổng cục Môi trường có nhiệm vụ xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, tư liệu, dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường đất, nước, không khí, các hệ sinh thái tự nhiên, loài, nguồn gen, nguồn thải, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, khu vực bị ô nhiễm, suy thoái và các yếu tố môi trường khác; hướng dẫn việc thu thập, quản lý, thống kê, lưu trữ và cung cấp dữ liệu về môi trường của các bộ, ngành và địa phương; tổng hợp, công bố thông tin về môi trường và hướng dẫn thực hiện các quy định về giao nộp, cung cấp, chia sẻ thông tin, tư liệu môi trường quốc gia theo quy định của pháp luật, …

Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường

Tổng cục Môi trường có 18 đơn vị: 1- Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường; 2- Vụ Quản lý chất thải; 3- Vụ Quản lý chất lượng môi trường; 4- Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra; 5- Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế; 6- Vụ Kế hoạch - Tài chính; 7- Vụ Tổ chức cán bộ; 8- Văn phòng Tổng cục; 9- Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; 10- Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc; 11- Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên; 12- Cục Bảo vệ môi trường miền Nam; 13- Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường; 14- Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường; 15- Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc; 16- Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên; 17- Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam; 18- Viện Khoa học môi trường.
Các tổ chức quy định từ (1) đến (12) là các tổ chức hành chính giúp Tổng Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định từ (13) đến (18) là các đơn vị sự nghiệp công lập của Tổng cục.
Tổng cục Môi trường có Tổng Cục trưởng và không quá 4 Phó Tổng Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.
 

Grac đô thị không rác

Chủ đề mới

Thành viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
10,833
Bài viết
42,126
Thành viên
31,234
Thành viên mới nhất
khachmua