Sàn giao dịch phế liệu online
Mô hình kinh tế tuần hoàn

Since 2007

Rác... không là chuyện nhỏ

meomaythongminh

Cây đầu làng
Tham gia
24/5/07
Bài viết
691
Cảm xúc
7
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
TPHCM: Rác... không là chuyện nhỏ
SGGP:: Cập nhật ngày 25/05/2007 lúc 01:14'(GMT+7)

“Băng đang tan - Một vấn đề nóng bỏng”, đó là chủ đề cho Ngày Môi trường thế giới năm nay do Liên hợp quốc phát động. Tuy nhiên, đối với TPHCM chủ đề cho ngày này là “Vì đường phố không rác”. Tại sao?

Cọng rác tuy nhỏ nhưng vấn nạn rác thải đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người dân. Chọn chủ đề “Vì đường phố không rác”, TPHCM muốn hướng người dân đến việc xây dựng một TP văn minh, sạch đẹp. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Thường trực Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã phát biểu như vậy với Báo Sài Gòn Giải phóng.

Rác, chưa được quan tâm đúng mức

Rác và xà bần bên ngoài hàng rào công trình thi công đại lộ Đông Tây (TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Ở đâu cũng có rác, đó là điều dễ thấy ở TPHCM. Tại sao điều ấy lại tồn tại dai dẳng nhiều năm cho dù mỗi năm TP tốn hàng tỷ đồng để quét dọn, thu gom rác trên đường phố và hàng chục tỷ đồng vớt rác trên sông? Đi tìm câu trả lời cho hiện tượng này cũng không quá khó. Trên địa bàn TP, việc thu gom, vận chuyển rác được giao chủ yếu cho 2 lực lượng: doanh nghiệp công ích của Nhà nước và lực lượng thu gom rác dân lập với số lượng lên đến vài ngàn người.

Song hành với đội ngũ trên còn có lực lượng giữ gìn trật tự đô thị ở các quận, huyện (khoảng 10-25 người/quận, huyện) cũng có chức năng giữ gìn vệ sinh đô thị. Lực lượng như vậy, về cơ bản không thiếu song việc tổ chức còn nhiều điểm chưa hợp lý nên công tác dọn dẹp vệ sinh vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Hiện nay chỉ có đường mới được quét dọn thường xuyên bởi đội ngũ công nhân vệ sinh thuộc các đơn vị công ích quận, huyện. Phần còn lại của TP, chiếm diện tích lớn hơn diện tích đường rất nhiều là các hẻm, khu dân cư trong các hẻm và các chung cư… hầu như chẳng có ai quét dọn. Ở đây chỉ có lực lượng rác dân lập làm nhiệm vụ thu gom rác từ các hộ dân.

Lực lượng này chủ yếu hoạt động theo phương thức “tự thu, tự chi” nên ngoài công việc gom rác, họ hầu như chẳng quan tâm đến việc dọn dẹp rác cho địa phương. Thậm chí ở nhiều nơi, lực lượng ấy còn hoạt động rất thất thường, có ngày đi gom rác, có ngày lại không, chẳng theo một quy định nào nên đã có trường hợp không ít khu phố ngập rác mà chẳng thấy ai đến thu gom.

Ông Nguyễn Thế Định, Bí thư Đảng ủy P.Nguyễn Thái Bình Q1 nhớ lại thời còn làm đội trưởng Đội Trật tự đô thị của quận 1: “Ở nhiều hẻm, rác nhiều vô kể. Ở nhiều chung cư, rác chất hàng đống ở ban công… và những đống rác ấy chỉ được moi ra và dọn đi mỗi khi có chương trình “Ngày chủ nhật xanh”. “Cũng có một vài chung cư góp tiền thuê người quét dọn thường xuyên nhưng số ấy không nhiều”, ông Định nói.

Ngày Môi trường thế giới năm nay
7.000 người đi bộ “Vì đường phố không rác”

Nhân ngày Môi trường thế giới (5-6) năm nay, sáng 3-6 Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM sẽ tổ chức lễ mít-tinh và đi bộ tại Công viên 30-4. Cuộc đi bộ sẽ có khoảng 7.000 người tham gia đến từ nhiều đơn vị như Sở TN-MT, Sở NN-PTNT, Sở GD-ĐT, UBMTTQ TP, Hội LH Phụ nữ TP, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động TP, Thành đoàn…. Chủ đề chính của ngày môi trường năm nay ở TPHCM là “Vì đường phố không rác”, ngoài ra còn có các thông điệp khác là giảm sử dụng xe máy-ô tô; tăng cường đi xe buýt, đi bộ.

H. LIÊM

Không người quét rác ở các khu dân cư, lực lượng xử phạt những hành vi vứt rác bừa bãi cũng… chẳng mấy khi thấy xuất hiện. Theo Sở Tài nguyên-Môi trường, về nguyên tắc, tổ trật tự đô thị của các phường-xã sẽ làm công tác này nhưng lực lượng ấy lại phải đảm đương rất nhiều việc: xử lý lấn chiếm lòng lề đường, giữ gìn trật tự đô thị… nên gần như không còn người lo đến chuyện rác.

Trong bối cảnh ấy, ý thức giữ gìn vệ sinh của một bộ phận không nhỏ người dân lại rất thấp. Rất nhiều người dân ở ngoại thành không chịu đóng tiền thu gom rác mà vứt rác bừa bãi khắp nơi. Một cán bộ của Công ty Dịch vụ công ích Q12 cho biết, ở nhiều khu vực sâu, xa của Q12, lực lượng rác dân lập đã không thể tổ chức thu gom rác bởi các hộ dân ở đây không đóng tiền gom rác.

Tình trạng ấy cũng xảy ra tương tự ở các Q7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh… Không chỉ người ngoại thành, nhiều người dân ở nội thành cũng chẳng chịu nộp tiền thu gom rác dù rằng chi phí này chỉ khoảng 10.000 đồng/hộ/tháng - rất thấp so với thu nhập của họ. Và tất cả những điều ấy đã tồn tại dai dẳng do mức phạt cho hành vi xả rác bừa bãi không cao, khoảng hơn 100.000 đồng/lần nên không mang tính răn đe.

Chưa lãnh đạo địa phương nào bị xử lý vì để địa phương bẩn, rác vương vãi khắp nơi nên họ cũng chẳng tích cực với công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Rác vì thế cứ “vô tư” trôi nổi khắp nơi.

Thay đổi thái độ đối với rác

Đó là mục tiêu của TPHCM khi quyết định chọn chủ đề cho Ngày Môi trường thế giới năm nay là “Vì đường phố không rác”. Theo ông Nguyễn Văn Chiến, hành vi xả rác bừa bãi diễn ra rất nhanh, chỉ vài giây, do vậy để đường phố sạch đẹp, các ngành chức năng và mỗi người dân phải tự giác thay đổi thái độ đối với với rác.

Ngành chức năng chủ động hoàn thiện lại cơ cấu tổ chức của hoạt động quét dọn, thu gom và vận chuyển rác. Từng người dân không xả rác bừa bãi. Cùng ý kiến với ông Chiến, ông Định cũng cho rằng, nếu mọi người không giữ gìn vệ sinh môi trường thì không ai có thể làm thay được, đặc biệt đối với người dân. “Nhà nước có tăng lực lượng kiểm tra, xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi lên vài lần so với hiện nay nhưng từng người dân không ý thức được việc giữ gìn vệ sinh môi trường thì tình hình cũng chẳng cải thiện là bao bởi hành vi vi phạm này không chỉ diễn ra rất nhanh mà còn có khả năng xảy ra ở khắp nơi, mọi thời điểm”, ông Định nói.

Trước mắt, Sở Tài nguyên-Môi trường sẽ rà soát lại việc lắp đặt thùng rác. Nơi nào không có hoặc thiếu sẽ đề xuất bổ sung ngay để người dân có chỗ bỏ rác; tăng cường phương tiện chuyên chở rác cho các doanh nghiệp công ích để rác thải được vận chuyển ra khỏi TP kịp thời. Với người dân, sở sẽ vận động không nên chất hàng đống bịch đựng rác ra trước nhà khi chưa có người đến thu gom rác… “để tạo mỹ quan đô thị”.

Ngày Môi trường thế giới sẽ được TPHCM kỷ niệm bằng hoạt động đi bộ tuần hành, trồng cây xanh. Đây là một hoạt động nhằm vận động người dân hưởng ứng ngày môi trường thế giới trên diện rộng. Một sự kiện có ý nghĩa nhưng mong rằng sau đó sẽ là những hoạt động đi vào chiều sâu, thiết thực góp phần xây dựng TPHCM xanh, sạch đẹp.

NG. KHOA - LAM THUẦN

Băng tan, nước biển dâng cao - hiểm họa trong thế kỷ 21

Năm nay, chủ đề của Ngày Môi trường thế giới 5-6 do Liên hợp quốc phát động sẽ là “Băng đang tan – Một vấn đề nóng bỏng” (Ice melting – Hot Topic). Quả thật, sự tan băng đang và sẽ gây ra những hậu quả khó lường cho nhân loại.

Theo các nhà khoa học, mực nước biển trên thế giới có thể dâng cao thêm 7m nếu toàn bộ khối băng ở đảo Greenland (vùng băng lớn nhất thế giới) tan ra. Điều này đang ngày càng trở thành hiện thực khi nhiệt độ Trái đất mỗi năm mỗi tăng, dự báo sẽ tăng khoảng 1,5 độ C - 4,5 độ C trong tương lai. Đó là do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (GHG) vẫn không ngừng “tuồn” vào khí quyển.

Giai đoạn 1970-2004, lượng khí CO2, CH2, N2O và các loại chất thải nguy hại đã tăng 70%; lượng khí CO2 tăng 80%, chiếm 77% lượng khí GHG. Ngành thải nhiều GHG nhất là năng lượng tăng 145%, giao thông vận tải tăng 120%, sản xuất công nghiệp tăng 65%... GHG làm Trái đất ấm lên, biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, gây hạn hán, bão lũ thất thường…

Ngoài ra cũng làm gia tăng các bệnh dị ứng và hen, bệnh về đường hô hấp ở các đô thị. Với “kịch bản” nước biển dâng cao, cư dân châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều trận cuồng phong, sóng thần sẽ đổ bộ vào châu lục này. Indonesia sẽ mất khoảng 2.000 hòn đảo vào năm 2030, Bangkok (Thái Lan) sẽ chìm dưới nước trong 20 năm tới, khu vực 143 triệu dân Trung Quốc sống ven biển có nguy cơ bị thủy thần cuốn trôi…

Với nước ta, theo dự báo của Bộ Tài nguyên-Môi trường, mực nước biển ở Việt Nam sẽ dâng cao thêm từ 3 đến 15cm vào năm 2010 và 15-90cm vào năm 2070. Nếu nước biển cao thêm 1m, nước ta có thể sẽ thiệt hại khoảng 17 tỷ USD, 17 triệu dân sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có 14 triệu người ở đồng bằng sông Cửu Long, 40.000km2 vùng đồng bằng bị ngập lụt… Do vậy, những yêu cầu bức thiết đặt ra là phải khuyến khích phát triển bền vững, chú trọng vào năng lượng tái sinh, trồng rừng, ứng dụng rộng rãi các công nghệ thân thiện với môi trường, tăng cường bảo vệ môi trường sống…

CHÂU TRÚC (tổng hợp)
 

Grac đô thị không rác

Chủ đề mới

Thành viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
10,833
Bài viết
42,126
Thành viên
31,234
Thành viên mới nhất
khachmua