Sàn giao dịch phế liệu online
Mô hình kinh tế tuần hoàn

Since 2007

THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG: VÌ SAO CHI LUÔN LỚN HƠN THU

manhtuan

Cây công nghiệp
Tham gia
17/1/18
Bài viết
129
Cảm xúc
6
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
Nhìn vào con số thống kê có thể thấy, chi từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường (BVMT) luôn lớn hơn số thu về.

Luật Ngân sách Nhà nước quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối NSNN, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.

thue%20bao%20ve%20moi%20truong.jpg


Theo thông tin trên Báo Hải Quan, tuy số tiền thuế BVMT không được để riêng dành cho nhiệm vụ BVMT mà nộp toàn bộ vào NSNN, song nhìn vào con số thống kê có thể thấy, chi từ NSNN cho các nhiệm vụ về BVMT luôn lớn hơn số thu về.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012 -2016 (bao gồm cả các khoản vay, viện trợ đã đưa vào NSNN để chi thường xuyên cho BVMT hoặc chi đầu tư phát triển BVMT; chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương (NSĐP) cho các nhiệm vụ BVMT và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về BVMT không đưa vào NSNN) khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế BVMT giai đoạn 2012 - 2016.

Tổng số chi thường xuyên cho BVMT khoảng 89.131 tỷ đồng, gồm: Chi thường xuyên từ NSNN (NSTW và NSĐP) bố trí trực tiếp cho sự nghiệp BVMT (không quá 1% tổng chi NSNN) khoảng 52.420 tỷ đồng; Chi các hoạt động kinh tế của NSTW (gồm chi thực hiện các dự án điều tra, đánh giá về đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo,… bố trí trong dự toán chi NSNN hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (2012 - 2016), Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2012 - 2016), Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (2016); chi thực hiện các chính sách quản lý sử dụng đất trồng lúa, phát triển rừng, quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản, duy tu đê điều, khuyến nông, công ích thủy nông) khoảng 36.711 tỷ đồng.

Tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương (chi cho các chương trình, dự án theo ngành, lĩnh vực quản lý tập trung ở 2 ngành: Ngành tài nguyên và môi trường và ngành cấp nước và xử lý rác thải, nước thải và chi lồng ghép từ nhiều chương trình như Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn, Chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu,...) khoảng 24.246 tỷ đồng.

Tổng chi từ dự phòng ngân sách trung ương để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ các địa phương xử lý các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong năm như đê kè, hồ chứa,... cho giai đoạn 2012 - 2016 khoảng 18.480 tỷ đồng.

Ngoài ra còn một số nội dung, nhiệm vụ do NSNN chi trả góp phần BVMT như các dự án, chương trình khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ xanh, bền vững,... Theo đó, thực hiện chính sách thuế BVMT đã góp phần động viên hợp lý đóng góp của xã hội, tạo thêm nguồn thu cho NSNN để giải quyết vấn đề môi trường với nhu cầu ngày càng tăng.

Chi tối thiểu 10% ngân sách cho môi trường

Báo Người Lao Động dẫn số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy kể từ thời điểm bắt đầu áp dụng là năm 2012 đến nay, số thu thuế bảo vệ môi trường năm sau đều tăng hơn năm trước. Trong đó, số thu thuế đã tăng dần từ mức 11.160 tỉ đồng năm 2012 lên 42.393 tỉ đồng năm 2016. Tuy nhiên, số chi cho bảo vệ môi trường chỉ đạt 9.000 tỉ đồng trong năm 2012, 2013 và tăng lên 12.290 tỉ đồng năm 2016.

Thống kê nêu trên của Bộ Tài chính dẫn đến lo ngại việc tăng thu thuế môi trường sẽ được sử dụng vào việc khác mà không chi tương xứng cho công tác bảo vệ môi trường.

Giải thích điều này, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, cho hay hiện nay, cơ bản chưa tính toán được cụ thể mức đầu tư cho môi trường hằng năm. Bởi lẽ, ngoài đầu tư cho sự nghiệp môi trường tối thiểu 10% tổng thu ngân sách thì còn nhiều loại phí, quỹ liên quan đến môi trường cũng như vốn vay ODA.

“Thu thuế là một trong những biện pháp góp phần bảo vệ môi trường. Còn thuế bảo vệ môi trường không thể nói là trực tiếp chi cho môi trường. Có chi cho môi trường nhưng từ ngân sách nhà nước” - ông Liêm lý giải.

Theo vị đại diện Bộ Tài chính, đầu tư cho môi trường bao gồm rất nhiều khoản như xử lý ô nhiễm chất thải rắn, lỏng, khí, nhiều vấn đề ô nhiễm khác hoặc hỗ trợ chính sách liên quan đến môi trường. Ngoài ra, chi đầu tư cho môi trường cũng là một khoản hoàn toàn khác. Do đó, khó có thể minh định được “đồng nào ra đồng đấy”.
 

Grac đô thị không rác

Chủ đề mới

Thành viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
10,833
Bài viết
42,126
Thành viên
31,234
Thành viên mới nhất
khachmua