Sàn giao dịch phế liệu online
Mô hình kinh tế tuần hoàn

Yeumoitruong - Since 2007

Xử lý chất thải nguy hại tại TPHCM - Chới với vì giá tăng phi mã

meomaythongminh

Cây đầu làng
Tham gia
24/5/07
Bài viết
691
Cảm xúc
7
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
Năm 2007, giá xử lý chất thải nguy hại (CTNH) ở TPHCM trung bình ở mức 1,3 triệu đồng/tấn. Đến cuối năm 2010, giá đã tăng lên 40 triệu đồng/tấn. Dù giá tăng cao nhưng các DN vẫn phải “năn nỉ” đơn vị có chức năng thu gom, xử lý ký hợp đồng.
images360082_7.jpg
Giá xử lý chất thải nguy hại đang tăng cao. Ảnh: Đ.Thành
Giá tăng phi mã
Ông N.T.A., Giám đốc nhà máy sản xuất dầu ăn tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Bình cho biết, năm 2009, công ty ký hợp đồng xử lý với giá 4,5 triệu đồng/tấn. Còn năm nay, giá đã tăng lên 20.000 đồng/kg, tức 20 triệu đồng/tấn. Chưa hết, 2 công ty (một ở KCN Hiệp Phước và một ở quận 12) vừa mới ký hợp đồng thu gom và xử lý CTNH với giá 40 triệu đồng/tấn! Riêng ông V.H.N., giám đốc một nhà máy sản xuất dược tại quận 12, cho biết các đơn vị thu gom xử lý chất thải cũng rất kén chọn chất thải được chuyển giao. Họ chỉ chọn những loại chất thải có thể tái chế được nhiều, còn những chất thải phải xử lý bằng phương pháp đốt ở nhiệt độ cao thường bị từ chối…
Tình trạng này đã và đang diễn ra rất phổ biến với nhiều DN trên địa bàn TPHCM. Để đối phó với giá xử lý CTNH leo cao và sự “an toàn” khi đối phó với cơ quan chức năng, nhiều DN đã ký hợp đồng khống với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý chất thải. Theo đó, mỗi tháng công ty trả cho đơn vị xử lý một số tiền theo thỏa thuận mà không hề chuyển giao bất kỳ tấn CTNH nào hoặc chuyển giao lấy lệ. Riêng đối với đoàn thanh tra, kiểm tra môi trường, khi đến kiểm tra chỉ cần đơn vị xuất trình được chứng từ và hợp đồng chứng minh có chuyển giao CTNH là an toàn.
Chỉ đáp ứng được 1/20 nhu cầu
Lý giải cho thực trạng trên, ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN-MT TPHCM, khẳng định, nguyên nhân tăng giá là do cầu quá lớn trong khi cung chỉ đáp ứng 1/20 nhu cầu. Theo thống kê chưa đầy đủ, ít nhất TPHCM có khoảng 600 tấn CTNH/ngày. Trong khi khả năng tiếp nhận, xử lý chỉ khoảng 30 tấn/ngày. Điều này khó tránh khỏi việc các đơn vị xử lý nâng giá và ra yêu sách. Dĩ nhiên, trong bối cảnh như hiện nay, họ sẽ lựa chọn những loại chất thải nào có khả năng tái chế nhiều nhất để tăng lợi nhuận. Trớ trêu, lượng CTNH ít có khả năng tái chế lại nhiều gấp 3 lần khối lượng chất thải có khả năng tái chế cao.
Năm 2008, toàn TPHCM có 20 đơn vị thu gom, xử lý CTNH đang hoạt động. Phần lớn trong số họ là những cơ sở tư nhân với quy mô, công suất nhỏ và rất nhỏ. Để chủ động ứng phó với tình hình, Sở TN-MT đã thực hiện kêu gọi đầu tư cho lĩnh vực này theo chủ trương xã hội hóa. Nhiều nhà đầu tư đã tiếp cận để bàn về vấn đề đầu tư, nhưng cho đến nay vẫn không có dự án nào được triển khai. Nguyên nhân do thành phố chưa có đất để giao cho nhà đầu tư. Còn nhiều chủ cơ sở hiện hữu đã chủ động tìm cách mở rộng nhà máy xử lý nhưng cũng không tìm ra đất để đầu tư. Riêng khu vực 100 ha đất được quy hoạch cho khu liên hợp xử lý CTNH tại Tây Bắc Củ Chi cũng chưa có đất để giao. Bí đường, nhiều cơ sở đã bỏ lên tỉnh Bình Phước và Bình Dương lập nghiệp. Tại các tỉnh này, nhu cầu xử lý CTNH của các DN cũng rất lớn nên họ chọn đường ngắn để đi. Chỉ khổ các DN tại TPHCM không biết tìm đâu ra đơn vị thu gom, xử lý CTNH cho mình.
Một nguyên nhân khác khiến giá xử lý chất thải tăng cao là vì Luật Bảo vệ môi trường đã đi nhanh hơn công tác đầu tư hạ tầng xử lý chất thải của các địa phương. Từ đầu năm 2010, khi lực lượng thanh tra môi trường siết chặt công tác quản lý, buộc đình chỉ hoạt động nhiều cơ sở xử lý không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường thì số lượng đơn vị xử lý giảm nhanh, từ 20 (năm 2008) xuống còn 3 đơn vị (năm 2010). Từ đó cầu vượt quá cung và giá xử lý bị các đơn vị tư nhân thao túng. Hiện có hàng triệu tấn CTNH đang tồn ứ tại các DN sản xuất.
“Hạ nhiệt” cách nào?
Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết, hiện cả nước chỉ có 60 đơn vị thu gom, xử lý CTNH với công suất nhỏ và rất nhỏ. Chưa có địa phương nào đầu tư dự án xử lý CTNH với quy mô công nghiệp, đủ để đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải của DN hoặc đủ khả năng can thiệp, điều chỉnh giá trong những tình hình cụ thể.
TPHCM đang làm mọi biện pháp nhằm bình ổn giá sản phẩm nhưng lại quên rằng việc gia tăng đột biến giá xử lý chất thải đã và đang tác động mạnh đến giá thành sản phẩm. Đã đến lúc thành phố cần đẩy nhanh những biện pháp cần thiết nhằm khống chế giá trần và sàn thị trường chuyển giao, xử lý CTNH. Muốn như thế, TPHCM phải hình thành khu liên hiệp xử lý CTNH.
Ái Vân
 

Grac đô thị không rác

Chủ đề mới

Thành viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
10,833
Bài viết
42,126
Thành viên
31,234
Thành viên mới nhất
khachmua