Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC XÂY DỰNG VĂN HÓA AN TOÀN

hoahong39

Cây công nghiệp
Bài viết
340
Nơi ở
HCM
Website
hoahong39.wordpress.com
An toàn hóa chất | an toàn lao động | Sự cố tràn dầu | Bộ ứng cứu tràn đổ 25L
Tạo ra một môi trường làm việc an toàn không chỉ đơn thuần là việc phát hiện và loại bỏ những mối nguy hoặc đưa ra những quy trình làm việc an toàn mà còn hơn thế nữa. Bài toán khó nhất trong quản lý an toàn chính là yếu tố con người thể hiện qua thái độ và hành vi của họ.
8.png

Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC XÂY DỰNG VĂN HÓA AN TOÀN

Họ nghĩ gì và họ làm như thế nào để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và đồng nghiệp luôn luôn là một câu hỏi làm đau đầu các nhà quản lý. Nói một cách khác, con người chính là nhân tố chủ đạo để thiết lập và tạo dựng nên một môi trường làm việc an toàn. Và quản lý an toàn nếu hiểu theo nguyên tắc này chính là công cụ và phương pháp quản lý nhằm thay đổi thái độ và hành vi của nhân viên, qua đó xây dựng nền tảng cho suy nghĩ và thực hành an toàn trong sản xuất và kinh doanh.

Doanh nghiệp là một “cộng đồng” thu nhỏ bao gồm rất nhiều người với những suy nghĩ, nhận thức và kinh nghiệm thể hiện qua những hành vi rất khác nhau trong công việc. Có những cá nhân, do hạn chế về nhận thức và kinh nghiệm nên họ suy nghĩ và hành động theo cách riêng: không có kế hoạch và không kiểm soát. Với những cá nhân này, họ chỉ có thể rút ra được bài học cho riêng mình hay tự cải thiện nhận thức sau một sự cố đã xảy ra cho chính bản thân. Chúng tôi gọi một doanh nghiệp có nhiều người thuộc nhóm này là “tổ chức bản năng tự nhiên”. Tai nạn lao động ở những tổ chức này thường rất cao, nghiêm trọng và kéo dài liên tục.

Còn có những cá nhân khác, họ suy nghĩ và hành động với mục đích cá nhân rõ ràng và chỉ dừng lại ở mức độ tuân thủ trong một số trường hợp nhất định. Qua thực tế tại một số doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy rằng nhân viên sẵn sàng vi phạm các quy định về an toàn khi vắng mặt người quản lý, giám sát. Họ tuân thủ các quy định về an toàn một cách khiến cưỡng và dưới áp lực buộc phải thực hiện. Họ không hề nhận ra sự quan trọng và ý nghĩa của việc tuân thủ để đảm bảo an toàn cho chính bản thân. Và khi một tổ chức có nhiều cá nhân như vậy, chúng tôi gọi đó là một “tổ chức phụ thuộc”. Tai nạn lao động ở những tổ chức này thường xảy ra bất ngờ khi có sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, giám sát.

Sự cải thiện và phát triển liên tục các hành vi an toàn ở nhân viên sẽ dần tạo thành một mô hình tổ chức gọi là “độc lập”. Trong những doanh nghiệp có mô hình này, nhân viên luôn tự ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của an toàn với bản thân và gia đình. Họ luôn suy nghĩ và hành động sao cho an toàn nhất để đảm bảo không xảy ra tai nạn lao động cho chính mình. Ở mô hình này, sự tôn trọng an toàn và tính mạng của bản thân là trên hết. Họ tuân thủ và thực hành an toàn không phải vì có hay không có quản lý, giám sát túc trực bên cạnh mà vì họ không muốn bản thân bị tai nạn, không muốn gia đình họ phải chịu những hậu quả và bất hạnh khi có người thân bị tai nạn lao động.

Cùng với những cam kết và nỗ lực không ngừng nghỉ của cả một tập thể đoàn kết từ vị trí cao nhất như Chủ tịch, Giám đốc điều hành cho đến những vị trí như nhân viên văn phòng, thư ký…vv và thậm chí cả các vị trí như lao công, bảo vệ…vv, đã có những doanh nghiệp thành công trong việc xây dựng mô hình văn hóa an toàn trong các hoạt động sản xuất và kinh doanh. Ở mô hình đó, các nhân viên quan tâm đến nhau, cùng hỗ trợ nhau để phát triển và hoàn thành công việc một cách tốt nhất và an toàn nhất. Người ta nhìn thấy hình ảnh của một sự gắn kết tuyệt vời giữa những con người ở những doanh nghiệp nơi mà tồn tại một thứ văn hóa: đó là văn hóa an toàn. Những con người đó, họ không chấp nhận để xảy ra tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho chính bản thân và những đồng nghiệp xung quanh.

Trong sinh hoạt và công việc hàng ngày, họ quan tâm đến nhau như anh chị em trong cùng một gia đình. Sự quan tâm đó thể hiện thông qua thái độ và từng hành động họ thực hiện từng ngày, từng giờ, từng phút ở tại nơi làm việc. Thời gian qua đi, những hành vi này sẽ trở thành thói quen của tất cả mọi người – thói quen quan tâm lẫn nhau, vì sự an toàn của mọi người. Một tập thể của những con người vì lợi ích chung đó sẽ gắn kết chặt chẽ, họ sẵn sàng nắm chặt tay cùng nhau vượt qua những khó khăn để đưa tập thể đó vững mạnh và phát triển. Đối với họ sự thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của mỗi cá nhân và chính bản thân họ cũng cảm thấy tự hào vì những nỗ lực và đóng góp tận tụy mỗi ngày của mình đã mang lại lợi ích cho tập thể. Ở Việt Nam đã có những doanh nghiệp xây dựng thành công mô hình này và chúng tôi gọi đó là mô hình “Liên kết độc lập”, hay còn gọi là “Văn hóa an toàn”.

Thongtinantoan.com
 
scroll-topTop